Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Sông Thao
08:22, 30/12/2024

Đồng Nai có 206 cá nhân được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điểm đặc biệt là trong số này có người dân tộc Kinh được đồng bào tín nhiệm bầu là người đại diện của cộng đồng dân tộc mình.

Ông Nguyễn Thanh Dương (bìa trái, ngụ ấp 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) và bà Ngô Thị Giúp (thứ 3 từ trái qua, ngụ ấp 4, xã Phú Hòa, huyện Định Quán) trao đổi cùng lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: S.Thao
Ông Nguyễn Thanh Dương (bìa trái, ngụ ấp 4, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) và bà Ngô Thị Giúp (thứ 3 từ trái qua, ngụ ấp 4, xã Phú Hòa, huyện Định Quán) trao đổi cùng lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: S.Thao

Điều này cho thấy sự hòa hợp, không phân biệt thành phần dân tộc ở khu dân cư, đồng thời thể hiện được quyền làm chủ của người dân trong việc lựa chọn người đại diện cho cộng đồng.

Chọn người đại diện cộng đồng

Hiện các cộng đồng DTTS tại Đồng Nai đang tiến hành bầu chọn người có uy tín đại diện cộng đồng. Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, hiện đã có 159 cá nhân được cộng đồng bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS và các địa phương đang đẩy nhanh hoàn thành nhiệm vụ này. Đây là căn cứ để UBND tỉnh ra quyết định công nhận người có uy tín trong đồng bào DTTS thời gian tới và triển khai các chế độ kèm theo đối với người được công nhận là người có uy tín.

Trong quá trình bầu chọn, huyện Định Quán có 2 người dân tộc Kinh nhưng được cộng đồng bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Cụ thể, đây là năm thứ 8, ông Nguyễn Thanh Dương đảm nhận vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS ấp 4, xã Thanh Sơn.

Ông NGUYỄN VĂN KHANG, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết Đồng Nai có 50 thành phần DTTS với gần 200 ngàn người, chiếm khoảng 6,42% dân số toàn tỉnh.

Ông Dương cho hay, ấp có 124 gia đình thì đồng bào DTTS chiếm 62 hộ với các dân tộc Chơro, Khmer, Nùng, Dao, Tày, Hoa. Ngoài ra, thời gian qua ông Dương còn đảm nhận các vai trò, như: Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, Chi hội Nông dân ấp, Chi hội trưởng Người cao tuổi ấp...

Tương tự, đây là lần thứ hai liên tiếp bà Ngô Thị Giúp được hơn 100 gia đình các dân tộc thiểu số Tày, Nùng ở ấp 4, xã Phú Hòa bầu chọn là người uy tín trong đồng bào DTTS của ấp. Cùng với vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS ấp, bà Giúp còn tham gia các tổ chức đoàn thể tại địa phương.

Hiện mỗi tháng, ông Dương và bà Giúp đều nhận được trợ cấp của Nhà nước với mức 800 ngàn đồng; được cấp thẻ bảo hiểm y tế hàng năm; tham gia các hội nghị, chương trình tập huấn, chương trình trao đổi kinh nghiệm… Ông Nguyễn Thanh Dương cho hay, đây là sự động viên rất lớn để ông tiếp tục nỗ lực phục vụ cộng đồng. Đồng thời, sự quan tâm này của Nhà nước còn giúp nâng cao vai trò, uy tín của người có uy tín trong đồng bào DTTS tại khu dân cư.

Nỗ lực trong vai trò đại diện cộng đồng

Trong quá trình thực hiện vai trò người uy tín trong đồng bào DTTS tại địa bàn dân cư, theo bà Thạch Thị Ngọc Thanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Định Quán, cả ông Dương và bà Giúp đều thể hiện được vai trò là điểm tựa của người dân trong các vấn đề của đời sống hàng ngày. Đồng thời là kênh thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến các phong trào thi đua, mô hình Dân vận khéo đến với đồng bào.

Bà Giúp cho hay, trước đây bà và một số hộ dân khác trong ấp nuôi ếch, nuôi dê theo hình thức mạnh ai nấy làm. Vì số lượng nhỏ lẻ và lúc nuôi lúc không nên trong quá trình thỏa thuận giá, thời gian thu hoạch vật nuôi thương phẩm và nguồn cung con giống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Từ thực tế này, những năm qua, bà cùng các hộ dân trong ấp mà phần lớn là đồng bào DTTS liên kết thành tổ hợp tác nuôi dê, nuôi ếch.

Theo bà Giúp, để bà con, trong đó có gia đình DTTS tham gia vào các tổ hợp tác này, từ thực tế của bản thân, bà giải thích rõ những lợi ích mà mỗi hộ khi tham gia tổ được thụ hưởng. Trong đó được chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên việc phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi được thực hiện bài bản và khoa học hơn thay vì dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm như trước đây. Ngoài ra, bà con phải có trách nhiệm với vật nuôi của mình, tham gia đầy đủ các buổi học kỹ thuật chăn nuôi, chủ động một phần vốn đối ứng.

Qua những lần tuyên truyền cũng như câu chuyện thực tế do bà cùng các thành viên đầu tiên của tổ hợp tác thực hiện mà ngày càng có nhiều gia đình đăng ký tham gia vào các tổ hợp tác. Bà Giúp cho hay, có ca dê đẻ khó mà người mới nuôi chưa biết xử lý ra sao thì họ tìm bà để nhờ giúp đỡ. Bằng kinh nghiệm nhiều năm nuôi dê, kiến thức được tập huấn, bà tìm đến giúp dê đẻ con thuận lợi.

“Con dê cái là tài sản không nhỏ đối với một gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, việc giữ được dê giống và đẻ dê con thuận lợi là niềm vui lớn với bà con bởi vừa bảo tồn được vốn vừa có lời”- bà Giúp nói.

Còn ông Dương cho biết thêm, ấp có nhiều gia đình nuôi bò, dê với hình thức thả rông vào những bãi cỏ ven hồ Trị An, ở các khu rẫy hay bìa rừng cho ăn tự do. Trong quá trình này, nhiều người đi chăn bò đốt lửa vùi khoai, nướng cá để ăn và đôi lúc chủ quan không dập tắt bếp hoàn toàn, điều này vô tình gây nguy cơ cháy lan, nhất là vào mùa khô. Từ thực tế đó, ông Dương cùng Ban ấp nhắc nhở bà con không đốt lửa trong quá trình chăn thả gia súc để không ảnh hưởng đến rừng cây, tài sản của nhà nước và người dân xung quanh.

Ông Nguyễn Thành Trung (ngụ ấp 4, xã Thanh Sơn) cho hay, từ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, tác động của ông Dương và ý thức của mỗi người mà tình trạng này thời gian qua đã ít xuất hiện. Điều này góp phần vào việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài sản của mọi người.

Hiện nay, bên cạnh những trang thông tin chính thống cũng có những trang đăng tin sai sự thật, cắt ghép hình ảnh trên mạng, nhưng với bà con, nhất là người lớn tuổi trong đồng bào DTTS để phân biệt được thông tin, hình ảnh thật hay giả là điều rất khó. Từ đó xuất hiện việc bà con đọc, xem, nghe nhưng không phân biệt đâu là tin thật đâu là giả, nhất là những vụ việc mang tính chất nhạy cảm.

Về điều này, ông Dương cho hay, ông năm nay đã gần 80 tuổi. Ông cũng như bà con lớn tuổi đôi lúc cũng không phân biệt được hình ảnh, thông tin thật giả do công nghệ tạo ra trên không gian mạng. Nhưng từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, ông nhắc nhở bà con khi tiếp cận tin tức cần tìm các trang thông tin chính thống của Nhà nước, các trang báo chí có uy tín để kiểm tra thông tin. Đồng thời, không tương tác với những trang thông tin xấu, độc. 

Sông Thao

Tin xem nhiều