Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên quyết chống luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Lâm Viên - Nhật Hạ
08:00, 18/12/2024

Trong khi ở trong nước và các tổ chức quốc tế tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế (10-12) vừa qua, thì đến hẹn lại lên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị “mượn” sự kiện này làm cái cớ để đăng tải các bài viết chống phá cách mạng Việt Nam trên mạng xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về Giáo dục quyền con người vào sáng 11-12. Ảnh: TTXVN

Theo đó, một số trang mạng đã đăng hình ảnh các nhóm người Việt ở nước ngoài “xuống đường biểu tình”, giăng biểu ngữ lên án tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Sai lệch từ nhận thức đến hành động

Qua các hình ảnh được các trang mạng xã hội đăng tải cho thấy, các nhóm người Việt ở nước ngoài cầm khẩu hiệu, băng-rôn có nội dung đả kích tình hình nhân quyền ở Việt Nam với luận điệu quen thuộc mà lạc lõng rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp nhân dân”. Những người này hoàn toàn không sống ở Việt Nam, không gắn bó, trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam và đặc biệt mang nặng tâm lý bất mãn, thù địch với chế độ xã hội chủ nghĩa nên đưa những thông tin không có căn cứ, sai trái về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Đáng chú ý, qua các hình ảnh này còn cho thấy nhóm người mà các trang mạng xã hội thù địch cho là “cộng đồng người Việt” này luôn cầm theo cờ của chế độ Việt Nam Cộng hòa - một thể chế chính trị đã không còn tồn tại gần nửa thế kỷ. Việc nhóm người này mang theo cờ của chế độ Việt Nam Cộng hòa - thể chế chính trị đã giải thể từ năm 1975, càng cho thấy sự ấu trĩ, sai lệch về nhận thức lẫn hành động của nhóm người này.

Không chỉ đăng tải những hình ảnh và nội dung lệch lạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, các trang mạng xã hội do các hội, nhóm, tổ chức phản động lưu vong còn thường xuyên đăng tải các thông tin chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, có trang từng bị cơ quan chức năng của Việt Nam đưa vào danh sách tổ chức khủng bố, chống Nhà nước Việt Nam.

Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu

Ngày 5-9-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025. Đây là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác nhân quyền trong tình hình mới; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người; đồng thời, thực hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về giáo dục quyền con người. Việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân đánh dấu bước ngoặt không chỉ thay đổi về nhận thức, mà còn bằng hành động thực tiễn nhằm thúc đẩy tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam lên tầm cao mới.

Một số trang mạng xã hội đăng thông tin chống phá, vu cáo Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền. Ảnh: Chụp màn hình
Một số trang mạng xã hội đăng thông tin chống phá, vu cáo Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền. Ảnh: Chụp màn hình

Chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người vào sáng 11-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ vấn đề quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Trong các Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều coi trọng việc bảo đảm quyền con người. Trong đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Theo báo cáo của Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia; theo xếp hạng của LHQ, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.

Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn, hợp tác, xây dựng về vấn đề nhân quyền

Trên thực tế, cách tiếp cận của mỗi quốc gia về vấn đề nhân quyền không hoàn toàn rập khuôn giống nhau, mà mỗi quốc gia dựa vào thể chế chính trị, điều kiện, đặc điểm, tình hình sẽ có những quy định trong từng lĩnh vực cụ thể về vấn đề nhân quyền dựa trên nguyên tắc quan trọng nhất là tuân thủ pháp luật của quốc tế. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam đều nhất quán trong việc tôn trọng và đảm bảo quyền con người. Hệ thống pháp luật của Việt Nam, từ hiến pháp, đến các bộ luật, các luật và các văn bản dưới luật đều tôn trọng quyền con người, thể hiện cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, tuân thủ theo pháp luật quốc tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, trước thực trạng có một vài nước, tổ chức quốc tế có nhận định chưa thực sự phù hợp dựa trên các thông tin không chính xác về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là luôn sẵn sàng đối thoại cởi mở, thẳng thắn, hợp tác, xây dựng với tất cả các nước, thậm chí Việt Nam còn đón và tạo điều kiện để các đoàn quốc tế đi thực tế ở một số lĩnh vực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp những khác biệt. Việc tích cực đối thoại về nhân quyền của Việt Nam không chỉ để các nước, các tổ chức quốc tế có thêm cơ hội chứng kiến những thành tựu của Việt Nam trên lĩnh vực này, mà còn là bằng chứng khách quan, rõ ràng cho thấy những luận điệu của một số thế lực thù địch, cơ hội chính trị vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền là xuyên tạc, bịa đặt.

Làm việc tại Đồng Nai vào tháng 5-2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Có những tổ chức, cá nhân chỉ trích Việt Nam không đảm bảo nhân quyền hay vi phạm nhân quyền, thế nhưng chúng ta lần thứ 2 được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao. Tháng 10-2022, lúc ấy tôi đang ở Trụ sở của Tổ chức UNESCO (Pháp), chủ trì sự kiện kỷ niệm 35 năm Tổ chức UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, nhận được tin tại New York (Mỹ), Việt Nam đã được bỏ phiếu trở thành ủy viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ lần thứ 2, tôi rất xúc động khi các đại sứ đang dự lễ nhiệt liệt đến chúc mừng phái đoàn Việt Nam. Đấy chính là bằng chứng sống động việc ghi nhận của các nước đối với Việt Nam về việc đảm bảo quyền con người…”.

Đặc biệt, ngày 12-12 vừa qua, Phái đoàn Việt Nam tại LHQ ở New York (Mỹ) đã tổ chức Lễ Công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028. Theo TTXVN, tham dự và phát biểu tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định trong vai trò thành viên suốt 2 năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh các ưu tiên về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy bình đẳng giới, quyền lao động, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền giáo dục, đồng thời chủ trì các nghị quyết về Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR)…, ghi đậm dấu ấn Việt Nam tại cơ quan chính của LHQ về bảo vệ quyền con người. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh các thành tựu kinh tế - xã hội vượt bậc của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới là kết quả của chủ trương đặt con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.

Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại sứ và đại diện các phái đoàn thường trực và quan sát viên tại LHQ. Đánh giá Việt Nam là quốc gia có truyền thống đứng về phía tự do và công lý, Đại sứ Riyad Mansour, Trưởng phái đoàn quan sát viên thường trực Palestine tại LHQ, bày tỏ tin tưởng “Việt Nam sẽ đảm nhiệm một nhiệm kỳ nữa tại Hội đồng Nhân quyền LHQ và điều đó thật tuyệt vời. Chúng ta cần một thành viên tích cực như Việt Nam tại LHQ”.

Lâm Viên - Nhật Hạ

Tin xem nhiều