Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 6, 24/01/2025, 02:05 En

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)
Tuổi trẻ Đồng Nai góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo

Công Nghĩa
07:26, 14/12/2024

Nhiều thế hệ thanh niên Đồng Nai đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiện vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, trong đó có những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn thiêng liêng.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước tặng quà cho thanh niên Đồng Nai công tác tại đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh:C.Nghĩa
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước tặng quà cho thanh niên Đồng Nai công tác tại đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh:C.Nghĩa

Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đại tá Bùi Đăng Ninh cho biết: “Mỗi năm, Đồng Nai có khoảng 3 ngàn thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó có không ít thanh niên được các đơn vị của Quân chủng Hải quân tuyển chọn làm nhiệm vụ tại các đảo, nhà giàn. Các chiến sĩ khi lên đường luôn giữ vững quyết tâm, trong quá trình công tác luôn nỗ lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Sức trẻ Đồng Nai thử thách giữa biển khơi

Vào tháng 5-2024, đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm các đơn vị đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) và nhà giàn DK1. Giữa biển khơi mênh mông, đến bất cứ hòn đảo và nhà giàn DK1 nào cũng bắt gặp những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) là người Đồng Nai đang làm nhiệm vụ.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Long (ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) cho hay: “Năm đầu ra đảo Sinh Tồn nhận nhiệm vụ, tôi khá bỡ ngỡ vì chưa kịp thích nghi với cuộc sống trên đảo, nhất là cái nắng gắt giữa biển khơi mênh mông. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, mọi thứ đã trở nên quen thuộc khi tất cả các ngày trong tháng đều không tách rời với thứ âm thanh quen thuộc là sóng biển”.

Chiến sĩ Nguyễn Đình Khải (ngụ xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) cùng làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn cho hay, trên đảo có hơn 10 CBCS là người Đồng Nai đang công tác nên cũng khá vui. Có người từ huyện Long Thành, có người ở thành phố Biên Hòa, thậm chí có người ra đây công tác, hết thời gian thì tình nguyện ở lại đảo, đưa theo cả vợ, con ra đảo này.

Đại tá BÙI ĐĂNG NINH, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chia sẻ: “Đồng Nai tự hào vì mỗi năm có hàng ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ. Đặc biệt, có nhiều thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ ở những nơi đầu sóng, ngọn gió. Dù ở nơi đâu thì tuổi trẻ Đồng Nai cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Ở Trường Sa còn có những hòn đảo với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng những CBCS đến từ Đồng Nai vẫn luôn kiên cường vượt nắng, thắng gió và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Anh Ngô Thái Vũ, một người con ở xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) ra đảo Đá Đông công tác được hơn một năm cho hay: “Ở đảo đá này gần như không có cây xanh nào sống được do nắng, gió và bão rất khắc nghiệt. Tuy điều kiện còn khó khăn nhưng không “hạ gục” được tinh thần của người lính, ngược lại càng khiến chúng tôi thêm cứng cáp và kiên cường, làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Tự hào nơi đảo xa

Đảo Trường Sa Lớn là một trong những đảo có đông CBCS đến từ Đồng Nai đang công tác. Trong số này, có nhiều người đã ra đảo gần 10 năm và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau theo phân công của đơn vị từ đất liền. Đặc biệt, trên đảo còn có một số em nhỏ theo cha, mẹ ra đảo công tác và lớn lên trên đảo.

Anh Nguyễn Mạnh Thế (ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) là chiến sĩ của Trung đoàn Không quân 935 thuộc Sư đoàn 370 cho biết, đơn vị có nhiều CBCS được cử ra đảo Trường Sa Lớn làm nhiệm vụ phòng không. Ở đảo Trường Sa Lớn điều kiện sinh hoạt ngày một tốt hơn về cả vật chất lẫn tinh thần. Hàng ngày, CBCS sinh sống và công tác trên đảo có thể liên lạc với gia đình, người thân và bạn bè ở đất liền nên khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền không còn quá xa.

Đến bất cứ đảo nào trên quần đảo Trường Sa mênh mông, hay nhà giàn DK1 sừng sững và vững chãi, điều tự hào và xúc động là luôn bắt gặp những con người rắn rỏi đến từ Đồng Nai.

Anh Trần Văn Đại Nghĩa (ngụ xã Tam An, huyện Long Thành) công tác ở nhà giàn, Vùng 2 Hải quân tâm sự: “Cuộc sống và điều kiện công tác của lính nhà giàn khác với ở đất liền hay trên các đảo, bởi điều kiện thử thách hơn rất nhiều nhưng không làm chúng tôi cảm thấy sợ hãi. Hàng ngày, chúng tôi vẫn nỗ lực làm nhiệm vụ canh gác và đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuyệt đối không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ”.

Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho biết: “Trong chuyến công tác đến Trường Sa và nhà giàn DK1 vừa qua, tôi rất xúc động khi được gặp trực tiếp một số CBCS là người con của thành phố Long Khánh và nhiều huyện, thành phố khác của Đồng Nai đang công tác tại đây. Dù trên các đảo và nhà giàn điều kiện công tác không như ở đất liền, nhất là thời tiết khắc nghiệt nhưng ai nấy đều rất rắn rỏi và bản lĩnh. Chúng tôi đã gửi gắm nhiều tình cảm và động viên các CBCS đến từ Đồng Nai luôn mang tinh thần anh dũng của người Đồng Nai, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều