Năm 2024, đồng bào các tôn giáo ở Đồng Nai tiếp tục đóng góp tích cực vào hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phật giáo Đồng Nai tổ chức thả cá phóng sinh trên sông Đồng Nai. Ảnh: Sông Thao |
Nhiều mô hình do đồng bào các tôn giáo thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực, được chính quyền các cấp chọn là điển hình để tuyên dương, nhân rộng.
Làm đẹp khu dân cư
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thống Nhất Phạm Đình Ban, Công giáo tại huyện có số lượng tín đồ chiếm 72,63% tổng số 171 ngàn dân toàn huyện. Thời gian qua, đồng bào Công giáo đã xây dựng nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu gắn với mô hình Công tác vận động đồng bào Công giáo tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đảm bảo vệ sinh môi trường trong hoạt sản xuất, chăn nuôi, chung tay xây dựng huyện nông thôn mới.
Thượng tọa THÍCH HUỆ KHAI, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh luôn nhắc nhở chức sắc, nhà tu hành và phật tử tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường và tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan do địa phương phát động. Ngoài xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường, Phật giáo còn phối hợp ngành chức năng của tỉnh tuyên truyền người dân không đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt bằng các ngư cụ bị cấm, không bắt bẫy các loài chim, nhất là các loài trong danh mục cần bảo vệ.
Bà con ở khu dân cư tự trồng và chăm sóc cây xanh tại nhà, đảm bảo khu vực phía trước nhà luôn thông thoáng. Hiện huyện Thống Nhất là địa phương có tỷ lệ hộ gia đình thực hiện chỉnh trang nhà ở, cải tạo vườn tạp và hàng rào cổng ngõ; có diện tích trồng cây xanh thực hiện cải tạo hàng rào phủ xanh đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh với trên 93%.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (giáo dân xã Gia Tân 2) cho hay, trong quá trình chăm sóc rau ăn lá, hoa sẽ không tránh khỏi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Trước đây, trong quá trình xúc rửa bình thuốc, người dân có thói quen làm ngay dưới mương nước, con suối nhỏ; chai lọ, bao bì sau sử dụng bỏ không có nơi cố định… vô tình làm phát tán nguồn thuốc. Những năm gần, tình trạng này đã không còn khi nông dân đã tập trung chất thải sau khi sử dụng thuốc hóa học và phân bón ở nơi cố định để chờ thu gom và xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Riêng việc vệ sinh dụng cụ sau sử dụng được người dân chú trọng để làm giảm tối đa tác động đến môi trường xung quanh.
Tại huyện Long Thành, nơi tập trung đông tín đồ Phật giáo của tỉnh, qua công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Phật giáo tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với xây dựng mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tổ tự quản môi trường ở khu dân cư.
Mật độ phủ xanh tại các cơ sở Phật giáo Long Thành luôn chiếm tỷ lệ lớn. Gia đình phật tử trồng cây xanh tạo bóng mát tại nhà bằng hình thức trồng trong chậu hoặc nếu có diện tích thì trồng ở vườn nhà nhằm góp phần phủ xanh khu dân cư.
Theo đại đức Thích Thiện Huy, Trưởng ban Văn hóa Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Long Thành, các nhà tu hành Phật giáo luôn nhắc nhở tín đồ giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên tự viện và trong mỗi gia đình. Khi khu dân cư tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng cây xanh thì tích cực tham gia.
Đẩy mạnh các mô hình bảo vệ môi trường
Tại huyện Long Thành, các tự viện đã xây dựng được các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mang nét riêng như: thả cá phóng sinh, cơ sở tôn giáo không rác thải, cơ sở tôn giáo xanh… Đồng thời, Phật giáo, Công giáo tại huyện Long Thành tham gia tích cực vào 71 mô hình bảo vệ môi trường chung được triển khai ở địa phương, trong đó có: Tổ tự quản môi trường ở khu dân cư, Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, Thắp sáng ngõ hẻm, Khu dân cư bảo vệ môi trường - ứng phó biến đổi khí hậu… Năm 2024, người dân trên địa bàn huyện đã đóng góp lắp đặt 370 thùng rác, trồng gần 69 ngàn cây xanh dọc các tuyến đường tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu.
Còn tại phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa), nơi 90% trong số gần 18 ngàn dân là đồng bào có đạo, thời gian qua, chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo đã đóng góp vào thành công của các mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được triển khai tại địa phương. Nổi bật trong số này là hầu hết trong số trên 1,2 ngàn gia đình đều thực hiện mô hình và đăng ký cam kết không đổ rác, xác động vật xuống sông, suối, đường phố, vỉa hè, hệ thống thoát nước chung của phường, khu vực công cộng; thực hiện đăng ký đổ rác đúng nơi quy định và đóng phí thu gom rác đầy đủ; hạn chế sử dụng túi ny-lông khi đi chợ, mua sắm…
Ông Nguyễn Văn Cận (người dân phường Bình Đa) cho hay, khi môi trường được giữ gìn thì chất lượng cuộc sống của chính mỗi cá nhân, gia đình tốt lên. Vì vậy, mỗi thành viên trong cộng đồng đều có ý thức giữ gìn sạch nhà, sạch ngõ.
Theo Giám mục phụ tá Giáo phận Xuân Lộc NGUYỄN TUẤN ANH, cùng với công tác bác ái xã hội thì bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động được chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo chú trọng thực hiện. Thời gian qua, các vị linh mục và tín đồ Công giáo đã chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Những hoạt động này sẽ tiếp tục được Công giáo Đồng Nai thực hiện trong thời gian tới với mục tiêu góp sức cùng tỉnh xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin