Báo Đồng Nai điện tử
En

Đánh giá đúng cán bộ để bố trí đúng người, đúng việc

Phương Hằng
07:16, 09/12/2024

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ có vai trò vô cùng đặc biệt, là khâu then chốt và có ý nghĩa quan trọng đối với các khâu khác của công tác cán bộ.

Các đảng viên Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh được tặng Bằng khen của Tỉnh ủy về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2019-2023).
Các đảng viên Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh được tặng Bằng khen của Tỉnh ủy về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2019-2023). Ảnh:P.Hằng

Công tác đánh giá thực chất, khách quan sẽ làm cơ sở để bố trí, sử dụng, đồng thời qua đánh giá cũng tạo điều kiện cho cán bộ phát huy hết khả năng, sở trường, kích thích sự nỗ lực trong công tác cán bộ và tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể.

Đánh giá đúng tạo động lực cho cán bộ

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đề ra 5 đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó đột phá đầu tiên là “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương”.

Đến Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Đánh giá cán bộ phải bám sát vào hiệu quả công tác của cán bộ”. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 21, ngày 25-10-2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, yêu cầu “nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.

Trong nhiều hội nghị của tỉnh và khi làm việc với các đơn vị, địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH luôn nhấn mạnh, đánh giá cán bộ phải thực chất, chính xác để bố trí cán bộ một cách phù hợp và phát huy tối đa năng lực của cán bộ. Việc đánh giá phải bám sát thực tiễn, xây dựng các tiêu chí đánh giá phải dựa trên các mục tiêu cụ thể, trọng tâm của từng ngành, lĩnh vực và phải cụ thể đến từng vị trí công tác của cán bộ.

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các đơn vị khi thực hiện đánh giá cán bộ bám sát quy định phân cấp quản lý cán bộ; tổ chức đánh giá cán bộ tại nơi công tác, nơi tham gia sinh hoạt Đảng, đoàn thể, nơi cư trú, sau đó tổng hợp kết quả để báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của Trung ương về công tác đánh giá cán bộ phù hợp với đặc thù của tỉnh, như Quyết định số 222-QĐ/TU ngày 16-5-2016 và nay là Quyết định số 1069-QĐ/TU ngày 28-2-2018 về việc ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ, trong đó đề ra 4 mức xếp loại dựa trên thang điểm 100; Quyết định số 1316-QĐ/TU ngày 8-9-2023 về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó, cấp có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá trên từng nhóm cán bộ tương đương một cách toàn diện, sâu sắc hơn bằng các tiêu chí đã được cụ thể hóa.

Phải nhận diện được đội ngũ cán bộ

Thực hiện các văn bản nói trên về đánh giá cán bộ, qua đánh giá, đa số cán bộ khẳng định được phẩm chất, năng lực cá nhân trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đánh giá ngày càng thực chất, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo tỷ lệ không vượt quá 20% theo quy định của Trung ương. Kết quả đánh giá cán bộ giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị thực hiện ngày càng tốt các khâu trong công tác cán bộ.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, song song với việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm công việc cụ thể còn phải đánh giá cán bộ về phẩm chất đạo đức. Hiện nay vẫn còn những nơi dĩ hòa vi quý, nể nang, chưa quyết liệt trong đánh giá cán bộ nên có những cán bộ được đánh giá tốt nhưng sau đó các cơ quan chức năng lại phát hiện mắc sai phạm.

Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, có nhiều cách để đánh giá cán bộ, trong đó luân chuyển cán bộ cũng là một hình thức để đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ. Cán bộ khi đi luân chuyển phải làm được gì ở nơi đó thì mới được đưa về, nếu không làm được gì mà chờ đủ tháng, đủ năm rồi lại rút về, như thế, việc luân chuyển không có tác dụng và dứt khoát cán bộ đó không được bố trí chức vụ cao hơn. 

Hiện nay, các cấp ủy đang tập trung công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030; đồng thời Đồng Nai đang triển khai rất nhiều công trình dự án mang tầm quốc gia để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh và đất nước, điều này đòi hỏi công tác đánh giá cán bộ càng phải được đặc biệt quan tâm.

Kế hoạch của Tỉnh ủy về đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 đã nêu, đánh giá cán bộ phải toàn diện, khách quan, thực chất, đúng quy định, đúng thẩm quyền; lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ làm thước đo, tiêu chí cơ bản để đánh giá.

Phương Hằng

Tin xem nhiều