Một trong những mô hình dân vận khéo của tỉnh Đồng Nai được thực hiện năm 2024 là “Chính quyền thân thiện” tại xã, phường, thị trấn.
Cán bộ, công chức xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã. Ảnh:P. Hằng |
Mô hình được ra mắt tháng 7-2024, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phục vụ tốt hơn nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).
Thực hiện mô hình ở 100% xã, phường, thị trấn
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, trước khi triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn ra toàn tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức ra mắt mô hình điểm tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thực hiện mô hình này.
Để thực hiện mô hình có hiệu quả, các xã, phường, thị trấn đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của UBND cấp xã; quy chế làm việc của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng... Rà soát quy trình giải quyết TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng dịch vụ công, thực hiện những sáng kiến, cách làm hay trong cải cách hành chính; niêm yết công khai TTHC tại trụ sở cấp xã và trên các trang mạng xã hội của địa phương. Đồng thời, công khai lịch tiếp công dân, số điện thoại của lãnh đạo xã và đường dây nóng tiếp nhận phản ánh ý kiến, kiến nghị của người dân trong giải quyết TTHC chậm trễ...
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, để mô hình “Chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn ngày càng thực hiện hiệu quả, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành các tiêu chí đánh giá mô hình để làm cơ sở cho công tác đánh giá theo quy định. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, khảo sát sự hài lòng của người dân về mô hình; kịp thời khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng trên toàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) cho biết, vừa qua chị đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã Phước An để làm TTHC. Chị rất hài lòng về thái độ làm việc của cán bộ, công chức xã khi vui vẻ, nhiệt tình hướng dẫn người dân giải quyết TTHC và giải đáp những thắc mắc của người dân. Các TTHC được xã niêm yết công khai tại trụ sở dễ đọc, dễ hiểu; TTHC được giải quyết chính xác, nhanh gọn.
Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nhơn Trạch Tô Thanh Long cho hay, đến nay 12/12 xã, thị trấn của huyện đã thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện”. Qua thực hiện mô hình đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức trong phụng sự nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
Theo Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên, qua triển khai mô hình (từ tháng 8-2024 đến nay), các xã, thị trấn thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch của UBND tỉnh, UBND huyện và hướng dẫn của Sở Nội vụ. Các xã, thị trấn đã trang bị máy móc, cơ sở vật chất phục vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đồng thời, bố trí phòng trao giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh... theo quy định.
Sẽ nhân rộng ra các cấp
Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Mỹ Lưu Văn Sửu cho biết, chỉ sau 3 tháng thực hiện mô hình ở các xã, thị trấn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, hướng đến nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, chuyển dần từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ và có tác động tốt đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện. Đồng thời, từng bước làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân.
Hiện nay, ở tất cả các xã, thị trấn đều lắp đặt pa-nô, khẩu hiệu với nội dung “4 xin”, “4 luôn” và “5 không” để người dân thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC cho người dân. Trong đó, “4 xin” gồm: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn” gồm: luôn mỉm cười, luôn thấu hiểu, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; “5 không” gồm: không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng nhận xét, qua việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện” ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh, bước đầu ghi nhận mô hình đã được nhân dân quan tâm ủng hộ. Mô hình “Chính quyền thân thiện” đã chú trọng đến việc làm thế nào để cải cách hành chính ngày càng tốt hơn, phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân về TTHC.
Tuy nhiên, đây là mô hình mới, bước đầu thực hiện còn gặp một số khó khăn liên quan đến nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị làm việc. Khối lượng công việc mà cán bộ, công chức ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã phải giải quyết hàng ngày rất nhiều nên ít nhiều ảnh hưởng tâm lý, áp lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Từ kết quả thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện” xã, phường, thị trấn, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai mô hình này ở cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh thời gian tới.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin