Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Khuyến khích đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu
Theo đó, chính sách, chế độ được áp dụng đối với tất cả các đối tượng chịu sự tác động của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của cả hệ thống chính trị, không bỏ sót đối tượng liên quan. Đảm bảo chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị sau sắp xếp đảm bảo đúng quy định.
Tập trung ưu tiên để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của các cấp có thẩm quyền và ưu tiên khuyến khích đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Việc xây dựng và thực hiện chính sách gắn với trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá, sắp xếp, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Việc giải quyết chính sách, chế độ cần quan tâm duy trì, giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ và gắn với thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công.
Chế độ chính sách cụ thể
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp khi thực hiện sắp xếp bộ máy. Ảnh minh họa: HD |
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, các chính sách, chế độ tại dự thảo nghị quyết này được xây dựng trên cơ sở kế thừa nghị định có liên quan trước đó nhưng mức trợ cấp cao hơn để động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc.
Cụ thể, đối với người nghỉ hưu trước tuổi, nếu còn đủ 10 năm trở xuống trong điều kiện làm việc bình thường, hoặc còn từ 5 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu ở vùng đặc biệt khó khăn thì sẽ được hưởng 3 chế độ.
Thứ nhất là được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm. Nếu nghỉ trong 12 tháng với độ tuổi còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu, sẽ được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm. Nếu có độ tuổi còn từ 5-10 năm, trợ cấp tương ứng sẽ là 0,9 tháng tiền lương cho mỗi tháng nghỉ sớm (tối đa 60 tháng). Nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi, mức trợ cấp sẽ là 0,5 của mức trợ cấp trước đó.
Thứ hai là nhận lương hưu mà không bị trừ tỷ lệ do nghỉ hưu trước tuổi, cùng với trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi. Nếu còn từ 2-5 năm, cán bộ công chức sẽ được trợ cấp bằng 5 tháng lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm; nếu còn trên 5-10 năm, trợ cấp sẽ là 4 tháng lương cho mỗi năm nghỉ sớm. Những người này cũng sẽ được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thứ ba là nếu còn thiếu thời gian giữ chức vụ lãnh đạo để được khen thưởng, cán bộ công chức cũng sẽ được xem xét khen thưởng phù hợp.
Đối với cán bộ đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư kéo dài thời gian công tác trong cơ quan đặc thù của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nếu nghỉ hưu sẽ được trợ cấp hưu trí một lần bằng 30 tháng tiền lương hiện hưởng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Cán bộ, công chức, bao gồm cả cấp xã, nếu còn đủ 2 tuổi trở lên đến tuổi nghỉ hưu và không đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi, khi nghỉ việc sẽ được hưởng 4 chế độ gồm: trợ cấp thôi việc; trợ cấp 1,5 tháng lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội; bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần; trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
Viên chức và người lao động nghỉ việc cũng sẽ hưởng 4 chế độ như cán bộ, công chức, nhưng thay vì trợ cấp 3 tháng tiền lương thì sẽ nhận trợ cấp thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tiếp tục làm việc nhưng thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu, bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, sẽ được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn giữ chức vụ. Trường hợp đã giữ chức vụ theo nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.
Cán bộ, công chức, viên chức trung ương và địa phương được cử đi tăng cường về cấp xã sẽ nhận tiền lương theo vị trí việc làm trước khi đi, cùng với một trợ cấp 1 lần bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác, kèm theo chính sách hỗ trợ với đơn vị vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở, sẽ được tiếp nhận trở lại nơi cử đi hoặc bố trí công tác phù hợp; được nâng lương vượt 1 bậc và được khen thưởng theo quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức trung ương và địa phương tăng cường cho cấp tỉnh, huyện được hưởng tiền lương theo vị trí việc làm trước khi cử đi; trợ cấp 1 lần 3 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác; chính sách với đơn vị công tác ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cơ sở, được nhận trở lại nơi cử đi hoặc bố trí công tác phù hợp và được nâng vượt 1 bậc lương.
Người có phẩm chất, năng lực nổi trội sẽ được nâng lương vượt 1 bậc; hưởng tiền thưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng; ưu tiên quy hoạch, bố trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp trên; hưởng chính sách trọng dụng người tài làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Bộ Nội vụ dự kiến tổng kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ là 130 ngàn tỷ đồng. Bao gồm 111 ngàn tỷ đồng dùng để thực hiện chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức; 4 ngàn tỷ đồng cho người lao động; 9 ngàn tỷ đồng dành cho cán bộ, công chức cấp xã; 4 ngàn tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội; 2 ngàn tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng. Nguồn kinh phí này sẽ được cấp từ ngân sách nhà nước và nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin