Báo Đồng Nai điện tử
En

20 năm đại diện cộng đồng của già làng Hùng Văn Xứng

Sông Thao
08:22, 02/12/2024

Già làng Hùng Văn Xứng năm nay 75 tuổi và đã có 20 năm đảm nhận vai trò già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bắt tay, thăm hỏi già làng Hùng Văn Xứng tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024. Ảnh: Huy Anh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bắt tay, thăm hỏi già làng Hùng Văn Xứng tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024. Ảnh: Huy Anh

Tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024 diễn ra vào tháng 11 vừa qua, già làng Hùng Văn Xứng là 1 trong 6 cá nhân của Đồng Nai và là người uy tín duy nhất trong số 206 người có uy tín trong đồng bào DTTS được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Kết nối xóm làng

Trong số các làng DTTS trên địa bàn tỉnh, làng dân tộc Chơro ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú là một trong những nơi tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống với gần 300 gia đình. Thời gian qua, thông qua các chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS, các phong trào xây dựng nông thôn… đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, những người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó có già làng Hùng Văn Xứng đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của tỉnh, nhất là ở những vùng tập trung đông đồng bào DTTS.

Theo ông Xứng, ngoài tham gia và vận động người dân đến các buổi họp do ấp, xã, huyện tổ chức thì trong quá trình sinh hoạt với bà con, ông luôn nhắc nhở đồng bào là Đảng, Nhà nước đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con làm ăn: đường sá, lưới điện được kéo tới tận nhà, ra tới ruộng. Trường học các cấp gần kề và chỉ phụ thuộc vào nỗ lực, sức học của con em. Nhiều hình thức trợ giúp vốn vay ưu đãi từ ngân sách nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con, các nhà máy mọc lên ở nhiều nơi giúp người lao động có việc làm…

Toàn tỉnh có 16 nhà văn hóa dân tộc, 4 trong số này nằm tại các xã có đông đồng bào DTTS của huyện Xuân Lộc.

Do vậy, mỗi gia đình, từng thành viên trong cộng đồng phải siêng học, siêng làm mới cải thiện cuộc sống, từ đó thay đổi làng Chơro theo hướng tích cực. Đến nay, nhiều gia đình đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm máy móc, phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình phục vụ sản xuất và đời sống.

Cùng với đó, theo già làng Hùng Văn Xứng, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội không chỉ phụ thuộc vào cơ quan chức năng mà xuất phát từ chính mỗi gia đình. Vì vậy, để gây dựng hình ảnh đẹp cho làng, bảo vệ tài sản, sức khỏe của mỗi người, ông cùng người cao tuổi trong cộng đồng nhắc nhở bà con chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

“Khi có đường nhựa thẳng tắp thì không tránh khỏi những lúc thanh niên mới lớn vì một phút bốc đồng mà phóng nhanh trên đường. Điều này dễ gây nguy hiểm cho mọi người. Những lần như vậy, tôi cùng người cao tuổi trong ấp đến nhà nhắc nhở thanh niên đó không tái phạm, cha mẹ phải kèm cặp con hơn trong sinh hoạt hàng ngày”- già làng Xứng chia sẻ.

Già làng Hùng Văn Xứng chuyện trò cùng đồng bào Chơro. Ảnh: S.Thao
Già làng Hùng Văn Xứng chuyện trò cùng đồng bào Chơro. Ảnh: S.Thao

Ngoài ra, trong quá trình xã thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, bà con ở làng dân tộc Chơro thường xuyên ra quân dọn vệ sinh đường làng vào dịp cuối tuần, trồng và chăm sóc cây xanh. Già làng Hùng Văn Xứng cho hay, với những gia đình nào dọc theo đường chính có xe thu gom rác đi qua, ông vận động bà con đăng ký với đơn vị làm dịch vụ môi trường. Quá trình đưa rác chờ xe đến lấy phải để gọn gàng và có thùng chứa không để ô nhiễm môi trường. Riêng nhà nào xe lấy rác chưa đến được thì tự đào hố để gom rác rồi tùy theo khả năng xử lý chứ không đem đến nơi vắng vẻ đổ trộm. Điều này đã góp phần làm cho ngõ xóm sáng, xanh, sạch đẹp.

Tạo dựng mô hình ở khu dân cư

Có một điểm đáng chú ý ở già làng Hùng Văn Xứng mà ít người làm được đó là tạo dựng nên những mô hình ở khu dân cư.

Một trong những mô hình này là duy trì việc tham gia của đại diện các gia đình đồng bào Chơro trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần. Theo đó, do Văn phòng ấp nằm ngay trong làng dân tộc, chi bộ, Ban điều hành ấp tổ chức chào cờ vào mỗi sáng thứ hai tại đây. Từ gợi ý của Ban điều hành ấp, ban đầu ông tham gia, lâu dần qua vận động và bà con dân tộc Chơro nhận thấy sự cần thiết tham gia vào hoạt động ý nghĩa này nên đã chủ động có mặt trước 7h sáng thứ hai hàng tuần tại nhà văn hóa ấp để chờ tham gia chào cờ.

Huyện Xuân Lộc có 6 làng dân tộc gồm: làng dân tộc Chơro ở xã Xuân Phú, làng dân tộc S’tiêng và Chơro ở xã Xuân Hòa, làng dân tộc Chơro ở xã Xuân Trường, làng dân tộc Chơro ở xã Xuân Thọ và làng dân tộc Chăm ở xã Xuân Hưng.

Bên cạnh đó, huyện Xuân Lộc có 4 nhà văn hóa dân tộc, gồm: 2 nhà văn hóa dân tộc Chơro, 1 nhà văn hóa dân tộc Chăm, 1 nhà văn hóa dân tộc S’tiêng. Một trong số này đặt tại làng dân tộc Chơro ấp Bình Hòa. Theo già làng Hùng Văn Xứng, Nhà nước bỏ kinh phí, dành nhân lực để giúp đồng bào xây nhà văn hóa dân tộc; sưu tầm loại nhạc cụ, dụng cụ truyền thống cho đồng bào sử dụng trong các dịp lễ. Do đó, bà con trong cộng đồng phải có trách nhiệm với văn hóa của chính dân tộc mình. Nhờ nhiều giải pháp của chính quyền, bà con mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ hội Sayangva - Mừng lúa mới được duy trì tổ chức hàng năm, cộng đồng có đội cồng chiêng, có nhóm hát được các bài ca dân tộc Chơro…         

Để việc học của con em diễn ra thuận lợi và cả cộng đồng cùng giám sát, kèm cặp việc học của thanh thiếu niên trong cộng đồng, ông cùng những người cao tuổi trong làng duy trì việc đến từng gia đình để nắm số con em đang đến trường, kịp thời phát hiện trường hợp nào nghỉ học để tìm cách trợ giúp.

Ông Xứng cho hay, mỗi khi đến từng gia đình, ông cùng những người cao tuổi động viên cha mẹ dù khó khăn cũng cố gắng cho con đến trường. Trường hợp nào khó quá thì thông tin với già làng, người cao tuổi để cộng đồng cùng trợ giúp hoặc đề đạt với cấp trên. Năm qua, ông cùng cộng đồng đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 350 phần quà với tổng giá trị 175 triệu đồng cho những hoàn cảnh khó khăn.

Riêng với những thanh thiếu niên không có khả năng tiếp tục theo học phổ thông, ông vận động tham gia học nghề tại các cơ sở đào tạo có uy tín. Hay theo học ở các trường năng khiếu nghệ thuật, thể thao do tỉnh quản lý để được thụ hưởng các chế độ ăn, ở miễn phí. Điều này góp phần nâng cao trình độ dân trí trong cộng đồng Chơro.

Văn Truyên

Tin xem nhiều