Báo Đồng Nai điện tử
En

Sửa đổi Luật Đấu thầu phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Thanh Hải
19:15, 07/11/2024

(ĐN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vào chiều 6-11.

Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV
Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc dự án Luật, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Các đại biểu đánh giá báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề, sát với tình hình thực tiễn, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách, thực tế đang vướng mắc; những nội dung đã rõ, đã được kiểm nghiệm và các quy định độc lập, không làm phát sinh sửa đổi ở các luật khác, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, Luật Đấu thầu mới có hiệu lực 10 tháng 6 ngày đến nay đã phải sửa đổi các nội dung rất lớn. Trong lần sửa đổi này, tại Điều 29, Chính phủ cũng tiếp tục đưa vào nội dung, tức là bổ sung trường hợp chỉ định thầu, đó là gói thầu thẩm định giá tài sản liên quan đến các vụ án hình sự cần được thực hiện gấp theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Nội dung này lần sửa trước vẫn đưa vào và cũng không được Quốc hội chấp nhận.

Theo giám sát của Ủy ban Tư pháp ở trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay rất vướng, nhiều vụ án hình sự không thể khởi tố, điều tra được là không có kết luận định giá bởi vì cơ quan định giá không thực hiện được. Do đó, cần phải rà soát xem vướng mắc này do quy định của pháp luật hay do tổ chức thực hiện hay do quan niệm áp dụng pháp luật.

Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên họp. Ảnh: CTV
Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên họp. Ảnh: CTV

Báo cáo của Quốc hội, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ có một điều giao Chính phủ quy định đó là Điều 217 giao cho Chính phủ hướng dẫn quy định về hoạt động của hội đồng định giá tài sản trong vụ án hình sự, trong đó quy định thẩm quyền của hội đồng định giá có quyền thuê tổ chức giám định hoặc là thuê các doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện việc định giá tài sản, ra kết luận định giá.

Trong quy định của Nghị định 30/2018 không có bất kỳ nội dung quy định nào phải đấu thầu. Lần sửa đổi đưa nội dung này vào có thể không phù hợp với quan điểm chỉ đạo rất lớn vừa đặt ra, không luật hóa những nội dung thuộc thẩm quyền của nghị định và thông tư.

Nội dung trong Nghị định 30/2018 hoàn toàn chỉ là trình tự, thủ tục, không liên quan gì đến vấn đề lớn, quyền và nghĩa vụ của công dân hay vấn đề về tố tụng. Đại biểu cho rằng, để gỡ vướng vấn đề này, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 30/2018 và không nên đưa vào luật vì sẽ rối.

Thứ 2 về lâu dài cần sửa đổi cơ bản Luật Giám định tư pháp, trong đó có tích hợp hoạt động đấu giá vào Luật Giám định tư pháp và định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Bởi vì tích hợp vào bảo đảm đây là các hoạt động bổ trợ tư pháp rất quan trọng vì 2 chủ thể này đều tham gia tố tụng và có vai trò quan trọng như nhau.

Theo đại biểu, có đưa được kết luận giám định tư pháp và quyết định định giá thì mới khởi tố được vụ án, xem xét được vụ án.

Thanh Hải (ghi)

Tin xem nhiều