Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy

Thanh Hải
19:22, 08/11/2024

(ĐN)- Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về: chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ. Ảnh: CTV
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Kịp thời ứng phó sự cố hóa chất một cách an toàn, hiệu quả

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi luật lần này khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trong đó cần khắc phục được bất cập lớn nhất của Luật Hóa chất hiện nay là sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Cụ thể, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường đều có thẩm quyền quản lý các hoạt động liên quan đến hóa chất. Điều này dẫn đến tình trạng phân tán trách nhiệm và thiếu phối hợp trong việc giám sát, xử lý vi phạm.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào chiều 28-10. Ảnh: CTV
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: CTV

Một số đại biểu nêu thực tế, các quy định về xử lý và tiêu hủy hóa chất độc hại chưa được triển khai toàn diện, dẫn đến nhiều vụ xả thải hóa chất gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các đại biểu cho rằng cần thiết phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, đồng thời tán thành với việc phải tổ chức diễn tập, để địa phương, các cơ quan, đơn vị chủ động, kịp thời ứng phó sự cố hóa chất một cách an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để có thể tích hợp vào các kế hoạch ứng phó sự cố có liên quan của địa phương.

Cần giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu. Ảnh: CTV
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu. Ảnh: CTV

Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải ban hành chương trình bởi tác hại của ma túy đối với xã hội và sức khỏe của người dân.

Tình hình ma túy diễn biến rất phức tạp và khó lường

Đánh giá, tình hình ma túy ở trong nước diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn.

Mặc dù thời gian qua các lực lượng phòng, chống ma túy đã tích cực đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này, nhưng kết quả chưa như mong muốn, thậm chí còn phức tạp hơn trên cả 3 mặt: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Huy Khánh tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Huy Khánh tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Một số đại biểu bày tỏ lo ngại tình trạng phối trộn các chất ma túy ngày càng tinh vi, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt những chất ma túy tổng hợp được phối trộn thành những hình thức, hình dạng khác nhau là con đường nhanh nhất, tác hại nhất thâm nhập vào Việt Nam. Do vậy, đòi hỏi những vấn đề mới cần được thường xuyên cập nhật để có giải pháp nhằm phòng, chống ma túy hiệu quả.

Dự báo hiểm họa ma túy ngày càng phức tạp, bên cạnh quyết tâm chính trị cần có sự kiên trì, kiên quyết, với các biện pháp mạnh mẽ hơn, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; đồng thời đổi mới phương pháp, cách thức, phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ ràng.

Để đạt được cao nhất mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, một số đại biểu đề nghị ưu tiên các giải pháp phòng hơn là chống, đó là phòng việc mua, bán, vận chuyển, lưu thông, phân phối, trồng hái, phối trộn, sử dụng. Trong đó, lưu ý hiện nay có nhiều phương thức mua bán ma túy khác nhau, trong đó phải kể đến tính phức tạp, khó kiểm soát của hình thức mua bán qua mạng.

Mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Huy Khánh tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu nêu thực tế hiện nay có nhiều hành vi vi phạm về quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo không đúng chất lượng của sản phẩm, dẫn đến hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo. Do đó, các đại biểu đề nghị quy định chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo.

Các đại biểu đề nghị cần minh bạch hơn trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên báo chí; quy định rõ tin bài thông thường và tin bài được tài trợ để quảng cáo. Theo các đại biểu, việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau.

Một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều