Trong quá trình triển khai chính sách dân tộc tại cơ sở, nhiều cá nhân đã trở thành những nhân tố tích cực cùng chính quyền các cấp đoàn kết người dân chung lòng tham gia các phong trào thi đua yêu nước.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV-2024 tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các cá nhân, tập thể tiêu biểu tại đại hội. Ảnh: Huy Anh |
Đóng góp của các cá nhân này đã góp phần giúp đồng bào xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, giữ gìn ổn định khu dân cư.
Đi trước, đi cùng bà con
Ông Triệu Văn Tích là Phó bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 7, người uy tín ấp 7, xã Đak Lua (huyện Tân Phú).
Ông Tích cho hay, năm 2017, ấp 7 được sáp nhập từ xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước về xã Đak Lua. Từ khi về xã mới, bà con di chuyển từ trung tâm ấp đến trung tâm xã hơn 15km. 97% trong tổng số 1 ngàn dân của ấp người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Người dân sống bằng nghề lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ với đời sống còn nhiều khó khăn.
Khi về tỉnh mới, với bà con đó không chỉ liên quan đến việc thay đổi địa giới hành chính mà còn kèm theo rất nhiều tâm tư liên quan đến đời sống. Khi bà con trò chuyện như vậy, ông đều động viên mọi người dù ở đâu, dân tộc nào cũng là người Việt Nam. Nơi nào càng khó khăn, có đông đồng bào DTTS thì nơi đó cấp ủy, chính quyền và nhân dân càng quan tâm nhiều hơn.
Ngoài 206 người có uy tín trong đồng bào DTTS được Nhà nước công nhận, tỉnh Đồng Nai còn có gần 1,1 ngàn cán bộ, công chức, viên chức cùng 1,67 ngàn đảng viên và 171 đại biểu HĐND các cấp là đồng bào DTTS. |
Niềm tin của ông Tích cùng bà con nhanh chóng nhận được câu trả lời khi ngay lúc sáp nhập ấp về xã Đak Lua, nhiều đoàn lãnh đạo, các mạnh thường quân Đồng Nai vượt đường xa đến thăm bà con kèm theo nhiều phần quà là lương thực, thực phẩm, cây con giống, vốn làm ăn, tặng kinh phí xây nhà kiên cố… Đặc biệt, nhiều công trình được đầu tư xây dựng phục vụ đời sống nhân dân trong ấp, như: điểm trường tiểu học, trường mầm non, nhà văn hóa ấp… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ấp có hơn 7/10km đường ngõ xóm là đường đất đã được thảm nhựa hay bê tông hóa với kinh phí thực hiện lên đến 14 tỷ đồng, trong đó bà con toàn ấp chỉ đóng góp vốn đối ứng hơn 1 tỷ đồng…
Khi bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, việc cho con em đến trường đã không còn là gánh nặng. Hiện nhiều gia đình đồng bào DTTS có con em đang học đại học, cao đẳng. “Như tôi có con đầu đang học Trường đại học Thủy lợi phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh. Người con thứ 2 đang học Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Việc phát triển kinh tế gia đình tốt, con cái trong gia đình học hành tiến bộ, giúp tôi thuận lợi rất nhiều trong việc vận động bà con DTTS ở khu dân cư”- ông Tích kể.
Cũng đi đầu và sát cánh cùng bà con xây dựng cuộc sống là cựu chiến binh Thổ Nơi, người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất).
Ông Nơi cho hay, xã Xuân Thiện là nơi sinh sống của 440 gia đình Chơro với hơn 1,3 ngàn người. Ông cùng người cao tuổi trong cộng đồng nhắc nhở bà con chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi dù là người dân tộc nào thì điều đầu tiên cũng phải chấp hành pháp luật.
Ông Nơi cho hay: “Có những thanh niên mới lớn vì một phút bốc đồng mà tăng ga phóng vù vù trên đường. Những lần như vậy, khi nắm thông tin, tôi cùng người cao tuổi trong ấp đến nhà nhắc nhở thanh niên đó không tái phạm, cha mẹ phải kèm cặp con hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi nếu tai nạn xảy ra thì người thiệt là con em mình rồi ảnh hưởng đến người xung quanh. Nhưng trước khi có thể nói người ngoài, tôi luôn yêu cầu con cháu trong dòng họ mình phải chấp hành trước. Vì vậy, thời gian qua, tình trạng này tuy không thể nói là hết 100% nhưng đã giảm rất nhiều so với trước”.
Thanh thiếu niên dân tộc Chơro, xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) biểu diễn văn nghệ tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024. Ảnh: Huy Anh |
Đặc biệt, việc tuyên truyền vận động bà con tham gia giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc là điều không hề đơn giản. Theo ông Nơi: “Nhiều thanh niên nam nữ ngại mặc trang phục truyền thống, ngại sử dụng tiếng nói của dân tộc mình khi ra xã hội. Nhưng tôi cố gắng cùng người cao tuổi trong ấp vận động bà con: Nhà nước bỏ kinh phí, dành nhân lực để giúp đồng bào xây nhà văn hóa dân tộc; sưu tầm lại nhạc cụ, dụng cụ truyền thống cho đồng bào sử dụng trong các dịp lễ. Vậy nên mình phải có trách nhiệm với văn hóa của chính dân tộc Choro. Nhờ nhiều giải pháp của chính quyền, mong muốn lưu giữ bản sắc văn hóa mà hiện nay văn hóa Chơro tại xã được giữ gìn và phát huy tốt”.
Hiện các đội múa, biểu diễn cồng chiêng ở xã Xuân Thiện là lực lượng chủ lực trong các chương trình giới thiệu, quảng bá văn hóa Chơro của tỉnh. Điển hình là năm 2023, Đội Cồng chiêng đồng bào dân tộc Chơro xã Xuân Thiện được chọn tham dự Hội diễn Đàn hát dân ca ba miền do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) tổ chức tại tỉnh Nghệ An và đoạt huy chương bạc.
Phát huy vai trò của những nhân tố tích cực
Hiện Đồng Nai là nơi sinh sống của gần 200 ngàn đồng bào thuộc 51 DTTS. Những năm qua, thông qua các chính sách ưu đãi của nhà nước, trợ giúp của cộng đồng, cùng với nỗ lực vươn lên mà đời sống bà con không ngừng được khởi sắc. Trong thành tựu chung đó, có đóng góp của những cá nhân tiêu biểu là già làng, người có uy tín, cựu già làng và cựu người có uy tín trong đồng bào DTTS, những cá nhân tiêu biểu khác trong đồng bào DTTS.
Ông Chu Văn Cang là người cao tuổi trong cộng đồng dân tộc Hoa ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom). Thời gian qua, khi địa phương phát động các phong trào, mô hình xây dựng khu dân cư, ông Cang đã cùng Ban ấp kết nối cộng đồng tham gia xã hội hóa giao thông nông thôn. 5 năm qua, bà con trong ấp đã đóng góp hơn 800 triệu đồng để tu sửa lại tuyến đường trong ấp với chiều dài gần 1km.
Ngoài ra, gia đình ông Cang đã tạo việc làm ổn định cho 6 trường hợp hoàn cảnh khó khăn với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng; giúp 500 cây giống trồng các loại cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Còn với già làng Thổ Khuyển, sau khi thôi tham gia vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Thống Nhất, ông vẫn tham gia kết nối bà con chấp hành quy định của pháp luật, nhắc nhở từng nhà cố gắng lo cho con cháu học tập. Đồng thời, ông Thổ Khuyển đóng vai trò là người tư vấn giúp 2 người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Xuân Thiện trong những hoạt động cộng đồng.
Ông Trần Văn Lý, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro xã Xuân Thiện, cho hay những kinh nghiệm, kiến thức mà ông Thổ Khuyển truyền đạt lại giúp ông thực hiện tốt hơn vai trò người có uy tín, nhất là tuyên truyền, vận động bà con và làm người đại diện cho cộng đồng.
Để tiếp tục phát huy vai trò của những hạt nhân này, theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách dành cho già làng, người có uy tín, những hạt nhân tích cực trong cộng đồng các DTTS, như: hỗ trợ hàng tháng 800 ngàn đồng/tháng/người và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín; thăm hỏi, tặng quà cho các già làng, hạt nhân tích cực trong cộng đồng DTTS trong các dịp lễ, Tết… Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV-2024 diễn ra mới đây, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định thời gian tới là phát huy vai trò người có uy tín, đội ngũ nhân sĩ, tri thức trong đồng bào DTTS.
Sông Thao
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin