Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024)
Vẹn nguyên niềm tin ngày sum họp

Nguyệt Hà
07:02, 23/11/2024

Sau Hiệp định Genève 1954, đất nước tạm thời bị chia 2 miền Nam - Bắc. Với tầm chiến lược, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định đưa hàng vạn cán bộ, bộ đội, học sinh và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Bà Tăng Kim Đoan (thứ 8 từ phải qua) trở lại thăm các gia đình miền Bắc tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc
Bà Tăng Kim Đoan (thứ 8 từ phải qua) trở lại thăm các gia đình miền Bắc tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: NVCC

Sự kiện tập kết ra Bắc được chọn tại 3 khu vực: 80 ngày ở Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay); 100 ngày ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) và khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau.

Ký ức không quên

Sau nhiều lời động viên của các cô, chú cách mạng, của cha mẹ và bà ngoại, năm 1962, khi 12 tuổi, bà Tăng Kim Đoan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban Liên lạc Cựu học sinh miền Nam (HSMN) tỉnh Đồng Nai, đã ra Bắc học tập.

Bà Kim Đoan kể, bà được đưa về Trường HSMN cấp 1 dành cho nữ tại Trường số 11 ở Hải Phòng và em trai về Trường số 21 dành cho nam cũng tại Hải Phòng. Trải qua nhiều địa điểm, từ ngôi Trường số 11, học hết lớp 6 lại phải di chuyển lên Móng Cái (Quảng Ninh) rồi về Trà Cổ (Quảng Ninh) học hết lớp 7 và liên tục di chuyển sang Trung Quốc để học.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đã có trên 32 ngàn thiếu nhi, HSMN được đưa ra Bắc học tập, sinh hoạt tại 28 trường HSMN ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, nhiều nhất là Hải Phòng, Hà Đông (Thành phố Hà Nội), Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa.

Sau Tết Mậu Thân 1968, bà Kim Đoan học xong lớp 9, đế quốc Mỹ ngừng ném bom phá hoại miền Bắc lần 1, bà về nước, được đồng chí Kim Ngọc, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ) nhận về học tại Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) hết lớp 10 và được đưa sang Hungary học đại học…

Một hành trình gian nan để hoàn thành các cấp học, bà Kim Đoan vẫn nhớ như in những kỷ niệm không thể nào quên.

“Nhờ có thầy, cô giáo thương yêu, dạy dỗ cộng với tình yêu thương đùm bọc của nhân dân miền Bắc mà những HSMN như chúng tôi sau này mới học tập nên người, trở thành những người có ích cho xã hội” - bà Kim Đoan bộc bạch.

Bà Kim Đoan cho biết thêm: “Trong điều kiện miền Bắc còn vô cùng khó khăn nhưng tất cả chúng tôi đều được các thầy, cô giáo ở trường thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì HSMN thân yêu” như một thiên chức, chứ không phải là một nhiệm vụ. Phải nói rằng, nếu không có các trường HSMN trên đất Bắc và sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào miền Bắc, không có tôi ngày hôm nay”.

Thiêng liêng 2 tiếng “miền Nam”

Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, cựu HSMN, xúc động chia sẻ, với thế hệ HSMN trên đất Bắc, không biết nói thế nào để cảm ơn đồng bào miền Bắc đã dành tất cả những điều tốt nhất cho HSMN học tập, dạy HSMN nên người.

Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc tại thành phố Hải Phòng.
Các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc tại thành phố Hải Phòng. Ảnh:T.L

“Sẽ khó nói hết được tấm lòng tri ân của thế hệ HSMN trên đất Bắc thời kỳ đó. Đây cũng là một trong những lý do vì sao tôi cùng vợ, con, gia đình tâm niệm phải làm thật nhiều để phần nào tri ân công lao của đồng bào miền Bắc” - ông Kiểm nói.

Có cả cha và mẹ tập kết ra miền Bắc, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đồng Nai, luôn ghi nhớ các câu chuyện kể của bà ngoại và má.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương NGUYỄN TRỌNG NGHĨA trong buổi gặp mặt cựu HSMN trên đất Bắc do Ban Liên lạc HSMN Trung ương, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Trường HSMN trên đất Bắc và 55 năm các thế hệ HSMN thực hiện Di chúc Bác Hồ tại Thủ đô Hà Nội mới đây đã nhấn mạnh: Trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn nhưng đã dành những điều tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, cơ sở vật chất thời đó để ưu tiên cho HSMN. Đáp lại tình cảm thân thương đó, thế hệ HSMN dưới mái trường xã hội chủ nghĩa luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên… Hệ thống các trường HSMN trên đất Bắc đã đào tạo, rèn luyện được lớp người có tài năng và trí tuệ, có bản lĩnh và ý chí, có lý tưởng và hoài bão, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…

“Câu chuyện mà tôi nhớ nhất khi nghe ngoại và má kể lại chính là lúc tập kết, bà ngoại, má tôi mỗi người đi theo hình thức khác nhau ra Hải Phòng nhưng lại được đưa về Trường nữ HSMN công tác. Bà ngoại làm cấp dưỡng, má làm phụ trách thiếu nhi; gia đình đoàn viên trên đất Bắc” - bà Bạch Mai kể.

Nhiều HSMN trên đất Bắc ngày ấy giờ đã trở thành những cụ ông, cụ bà. Những tình cảm thiêng liêng, nghĩa đồng bào, truyền thống đoàn kết và niềm tin mãnh liệt vào Đảng, vào ngày sum họp Bắc - Nam đã giúp họ vượt qua khó khăn để trưởng thành. Những kinh nghiệm quý từ các thế hệ HSMN trên đất Bắc ngày ấy vẫn vẹn nguyên giá trị như sự nhắc nhở của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó”.

Nguyệt Hà

 

Ông Phan Văn Hiếm (87 tuổi, ngụ khu phố 4, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa):

Nghĩa tình sâu nặng của miền Bắc dành trọn cho học sinh miền Nam

Tôi tập kết ra Bắc ngay sau Hiệp định Genève 1954 tại khu vực Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay) và điểm đến là khu vực Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, tôi được chuyển về Cụm trường 12-14, trường dành cho HSMN ở Chương Mỹ (Thành phố Hà Nội); rồi lại di tản qua nhiều nơi. Đến năm 1960, tôi hoàn thành cấp 3 và học tiếp lên đại học ngành công nghiệp.

Tốt nghiệp đại học năm 1965, tôi có nguyện vọng xin đi B nhưng không được giải quyết. Năm 1975, tôi mới được trở lại miền Nam. Theo Hiệp định Genève, việc tập kết, chuyển quân chỉ diễn ra 2 năm, nghĩa là từ 1954-1956, nhưng do sự tráo trở, muốn chia cắt lâu dài đất nước ta của kẻ thù mà chúng tôi cùng dân tộc phải trải qua suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong bối cảnh miền Bắc còn rất nhiều khó khăn nhưng tình cảm của đồng bào miền Bắc đúng nghĩa “hậu phương” đón con em miền Nam trở về; chăm lo, dành những điều kiện tốt nhất để chúng tôi được học tập, công tác, trưởng thành. Với tôi, đây là khoảng thời gian khó quên nhất, luôn nhớ ơn nghĩa nặng tình sâu của đồng bào và nhân dân miền Bắc…

 

Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Nam Sách: 

Cảm phục tinh thần của học sinh miền Nam và nghĩa tình của đồng bào miền Bắc

Được nghe nhiều câu chuyện kể qua sách báo, qua lịch sử và trực tiếp được gặp những cô chú - thế hệ HSMN của 70 năm trước đây, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần quyết tâm vượt khó, nỗ lực học tập, trưởng thành của các cô, chú. Đồng thời, hiểu rõ hơn nữa nghĩa tình sâu nặng của đồng bào miền Bắc dành cho HSMN.

Tin xem nhiều