Báo Đồng Nai điện tử
En

Đạo đức nghề nghiệp là quan trọng nhất đối với người làm báo

Hạnh Dung
15:41, 12/11/2024

Vấn đề đạo đức của người làm báo hiện nay được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sáng 12-11.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong Luật Báo chí sửa đổi sắp tới, Bộ sẽ nâng mức chuẩn của phóng viên, nhà báo.

“Nghề báo là nghề rất đặc biệt”

Các đại biểu Quốc hội lắng nghe câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Q.H
Các đại biểu Quốc hội lắng nghe câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Q.H

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề, tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành trên các lĩnh vực, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, năm 2018 khi về làm Bộ trưởng, ông có đọc nghiên cứu, đánh giá về uy tín nghề nghiệp do một tổ chức uy tín đánh giá. Trong đó, phóng viên được xếp 9/10 những đối tượng được khảo sát, chỉ trên những người bán bất động sản online. Năm 2022, cũng tổ chức đấy đánh giá thì phóng viên đứng thứ 3 sau giáo viên và bác sĩ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Thu nhập của các phóng viên hiện nay không quá thấp, khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, cao hơn mặt bằng chung của công chức, viên chức, thấp hơn doanh nghiệp. Mặc dù vậy, quan trọng nhất vẫn là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Chúng tôi sẽ tập trung hơn vào nội dung này”.

Cũng liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cho biết, năm 2023 -2024, mỗi năm cả nước có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt do vi phạm pháp luật. So với 21 ngàn người làm báo đã có thẻ nhà báo/41 ngàn người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí thì đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Hùng nhấn mạnh, 85% người bị bắt là từ những tạp chí nhỏ, tạp chí của các hội, xã hội nghề nghiệp. Cơ quan chủ quản buông lỏng đối với cơ quan báo chí của mình, tổng biên tập buông lỏng quản lý đối với phòng viên.

Để các tạp chí không bị báo hóa và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, Bộ Thông tin và truyền thông đã công bố tiêu chí nhận dạng báo hoá tạp chí, đăng công khai để toàn xã hội giám sát. Cùng với đó, công khai tôn chỉ mục đích của 800 cơ quan báo chí để bất kỳ ai, bất kỳ địa phương, doanh nghiệp nào cũng có thể vào tra cứu để xem phóng viên đến liên hệ có đúng tôn chỉ mục đích hay không. Nếu bị phóng viên ép buộc, họ có thể liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng để phản ánh.

Bộ trưởng Hùng cho hay, cơ quan chức năng vừa có một số quy định mới, nếu phóng viên bị bắt thì sẽ xem xét xử lý trực tiếp trách nhiệm tổng biên tập cơ quan báo chí đó. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG nhấn mạnh: “Nghề báo rất đặc biệt, tiếng nói, câu chữ của nhà báo tác động trực tiếp hoặc lan tỏa đến hàng triệu người. Vì vậy, các tiêu chuẩn cũng rất đặc biệt. Luật Báo chí sửa đổi sắp tới sẽ đề xuất nâng tiêu chuẩn phóng viên”.

Chuyển đổi số báo chí là yêu cầu tất yếu

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quốc hội

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến công tác chuyển đổi số báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, hàng trăm năm nay, vũ khí chính của báo chí là trang giấy, cây bút. Khi công nghệ số bùng nổ đã trở thành vũ khí mới. Trong khi các nền tảng mạng xã hội đã nhanh chóng thích ứng và tận dụng công nghệ để phát triển thì báo chí truyền thống vẫn đang trong quá trình chuyển đổi và bắt kịp.

Đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số vừa qua, tư lệnh ngành Thông tin và truyền thông nhận xét, các đài phát thanh, truyền hình chuyển đổi số tốt hơn nhiều cơ quan báo chí do có thuận lợi từ chương trình số hóa truyền hình. Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về chuyển đổi số báo chí, đồng thời giao Bộ Thông tin và truyền thông triển khai các chương trình hỗ trợ cụ thể.

Bộ đã xây dựng bộ tiêu chí đo lường để các cơ quan báo chí tự đánh giá mức độ trưởng thành của mình, đồng thời thành lập trung tâm thuộc Cục Báo chí để hỗ trợ chuyển đổi số cho cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, ban hành cẩm nang, tổ chức tập huấn cho Tổng biên tập và chỉ đạo một số doanh nghiệp công nghệ giúp đỡ, phổ cập cho cơ quan báo chí. Mỗi quý, Bộ sẽ có tài liệu cung cấp thông tin, cách làm hay trong chuyển đổi số và tổ chức đoàn tham quan các cơ quan báo chí làm tốt như VTV, VnExpress.

Bộ Thông tin và truyền thông cũng đang phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là tạp chí. Giai đoạn đầu là miễn phí cho cơ quan báo chí nhận hỗ trợ. Nguồn lực nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho 6 cơ quan báo chí lớn, chủ lực, các cơ quan khác sẽ được cơ quan chủ quan đầu tư.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng đi để nâng cao chất lượng báo chí truyền thống và đảm bảo vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi". Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí.

Dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng trong khi nguồn thu lại giảm sút.

Ông Hùng cho biết trong chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, Bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện. "Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi" - ông nói.

Vì vậy, từ năm 2023, các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông.

"Trong quy hoạch báo chí có nội dung Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ. Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực"- ông Hùng trả lời.

Phát biểu tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, việc cấp kinh phí cho các cơ quan báo chí để thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách là cần thiết, nhưng cần đảm bảo rằng báo chí phải tự chủ, cạnh tranh được với các kênh thông tin khác, đặc biệt là mạng xã hội. Ông cũng đặt ra câu hỏi về khả năng huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra sự thay đổi trong mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí Việt Nam. Từ việc hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước, báo chí hiện nay đã chuyển sang tự tìm kiếm nguồn thu để tồn tại và phát triển (hiện 30% cơ quan báo chí là nhận từ ngân sách, còn 70% là tự bươn chải). Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, nhiều cơ quan báo chí có tầm ảnh hưởng lớn lại không được hỗ trợ, hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường.

Do đó, việc Nhà nước đặt hàng truyền thông và chi trả kinh phí là một hình thức hỗ trợ báo chí. Tuy nhiên, mô hình báo chí lý tưởng là mô hình đi bằng “hai chân”, kết hợp giữa việc nhận đặt hàng từ Nhà nước và tự tìm kiếm nguồn thu trên thị trường.

Cả nước hiện có 880 cơ quan báo chí với 72 đài Phát thanh - truyền hình, còn lại là báo và tạp chí. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41 ngàn người, trong đó 21 ngàn người đã được cấp thẻ nhà báo.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều