Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết về Chống lãng phí và ở nhiều hội nghị của Trung ương, Tổng Bí thư đã đề cập đến nội dung này.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30-10-2024. Ảnh: TTXVN |
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về Chống lãng phí đã nhận được sự quan tâm, đồng tình rất lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Chống lãng phí phải trở thành tự giác, tự nguyện
Tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV vào chiều 31-10-2024, khi trao đổi với các học viên của lớp học về chuyên đề: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, GS-TS Tô Lâm, Tổng Bí thư, đã nhận định, lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Theo Tổng Bí thư TÔ LÂM, tác hại của lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó là lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, giải pháp chiến lược những năm tới là đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.
Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.
Chống lãng phí cũng như chống tham nhũng
Trao đổi về bài viết Chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm, PGS-TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết trong bài viết, tựu trung lại có 2 loại hệ lụy từ lãng phí: một là hệ lụy về vật chất, hai là hệ lụy về niềm tin.
Hệ lụy về vật chất, ai cũng nhìn thấy rõ đó là lãng phí nguồn lực của cải; còn hệ lụy về niềm tin, đó là khi mọi người thấy sự lãng phí đó kéo dài, chưa được xử lý thì niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước bị ảnh hưởng.
Có thể thấy rằng, trong nhận thức của xã hội, của cán bộ, đảng viên từ trước đến nay thường coi tham nhũng, tức là lấy của công làm của tư, là có tội. Còn lãng phí, chúng ta chưa nhận thức được như vậy. Tổng Bí thư Tô Lâm nói, lãng phí cũng như tham nhũng. Vì vậy, cái chung nhất chúng ta có thể thấy rằng, tham nhũng có hại như thế nào thì lãng phí cũng có hại như vậy.
Do đó, cuộc chiến chống lãng phí rất gian nan và không hề đơn giản, như chống tham nhũng. Nhưng chúng ta hoàn toàn có niềm tin để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này. Bởi, về mặt chính trị, Đảng đã có chủ trương rất rõ về chống lãng phí; đồng thời có các chỉ thị, quy định về chống lãng phí. Như Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25-12-2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp đến, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Theo đó, trong Quy định này ở Điều 3 có quy định cán bộ, đảng viên phải tiết kiệm, hiệu quả, không xa hoa, lãng phí thời gian, công sức và các nguồn lực xã hội khác.
Còn về cơ sở pháp lý, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và quy định cả việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong khu vực công, khu vực tư, khu vực ngoài nhà nước. Bộ luật Hình sự quy định những tội liên quan đến gây thất thoát lãng phí vốn nhà nước, ngân sách nhà nước, tài sản, tài nguyên đến mức phải thành tội phạm.
Như vậy, cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý về chống lãng phí đều đầy đủ, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện làm sao cho hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Mới đây, khi làm việc với Đảng ủy Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã trao đổi một số nội dung về thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững”, đồng chí có đề cập đến việc học tập, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Bài viết như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Phát huy hiệu quả các nguồn lực, chống lãng phí phải trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng, vươn lên mạnh mẽ.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin