Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm nguồn lực đầu tư cho giai đoạn phát triển mới

Công Nghĩa
08:13, 11/10/2024

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (khóa XI), diễn ra ngày 10-10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã dành nhiều thời gian thảo luận tìm các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh cho giai đoạn mới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi trình bày các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Ảnh: C.Nghĩa
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi trình bày các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Ảnh: C.Nghĩa

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, trong 9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực với nhiều kết quả cụ thể, nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Một trong những giải pháp sắp tới là phải khơi thông và huy động thêm các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 và cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Lo “trả nợ” nhiều tiêu chí

Để hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới (NTM) như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra thì từ nay đến năm 2025, tỉnh phải có thêm 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, hiện nhiều địa phương vẫn còn “nợ” một số tiêu chí như: điện, đường, trường học, nước sạch... Để “trả nợ” những tiêu chí này phải có nguồn lực đầu tư, trong đó có những huyện cần hơn 100 tỷ đồng. Đơn cử như các huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, để hoàn thành tiêu chí nước sạch sẽ cần nguồn vốn lớn do dân cư không tập trung, đường dẫn nước sạch đấu nối khá dài.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, trong số 16 xã đang phấn đấu để được công nhận xã NTM nâng cao, đã có 4 xã đã hoàn thiện hồ sơ để được công nhận. Đối với cấp huyện, hiện có 3 huyện: Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu và Thống Nhất đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM nâng cao; huyện Định Quán đã hoàn thành hồ sơ; riêng huyện Thống Nhất đã hoàn thành bước bỏ phiếu công nhận. Với những huyện này, nhiều tiêu chí đã được thực hiện, nhưng còn một số tiêu chí chưa hoàn thành, nhất là tiêu chí nước sạch, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, khu dân cư…

Không chỉ nợ các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao, mà ngay cả các tiêu chí về xây dựng đô thị, đặc biệt là đô thị Biên Hòa, hiện đặt ra nhiều bài toán khó để trả nợ các tiêu chí còn chưa đáp ứng. Theo lãnh đạo thành phố Biên Hòa, gần 10 năm trước, thành phố đã được công nhận là đô thị loại I, trong đó có 10 tiêu chí chỉ đạt điểm tối thiểu và trung bình và phải “du di” thì mới được công nhận là đô thị loại I vào thời điểm đó. Đến nay, Biên Hòa vẫn đang “nợ” nhiều tiêu chí của đô thị loại I như: đất xây dựng công trình công cộng, tỷ lệ đất giao thông/đất đô thị, mật độ giao thông đô thị, tỷ lệ cây xanh đô thị, nhà tang lễ… Hiện việc hoàn thành các tiêu chí “nợ” khó khăn vì việc điều chỉnh quy hoạch chưa xong.

Giải bài toán nguồn lực

Các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh đang có những khó khăn và bất cập. Đơn cử, nguồn vốn đầu tư ngắn hạn đang gặp tình trạng “hấp thụ” không hết, trong khi nguồn vốn đầu tư trung hạn và dài hạn dự tính cần rất lớn nhưng nguồn dự báo rất khó khăn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, giải pháp tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới là đề xuất với Trung ương để lại cho tỉnh 100% số tiền thu vượt ngân sách hàng năm, điều chỉnh tỷ lệ phân bổ ngân sách từ 50% lên 65%, tăng tỷ lệ bội chi thông qua tăng phát hành trái phiếu địa phương và tiếp tục đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp trên cũng khá khó khăn, đơn cử như việc đấu giá quyền sử dụng đất để có thêm nguồn lực đầu tư, thì thủ tục rất phức tạp.

Hay như việc muốn thuyết phục được Trung ương cho tỉnh được giữ lại 100% tiền thu vượt ngân sách, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, đến nay tỉnh đã thu ngân sách đạt gần 80% chỉ tiêu của cả năm, vẫn còn 3 tháng nữa nên khả năng vượt gần như là chắc chắn. Tuy nhiên, muốn được Trung ương cho giữ lại 100% khoản vượt thu thì các sở, ngành, địa phương phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm nay, bởi nếu không đạt mà lại xin được giữ lại phần vượt thu ngân sách thì khó thuyết phục.

Không để bị động nguồn lực đầu tư

Sau nhiều năm gặp khó khăn trong đầu tư đồng bộ hạ tầng, trong nhiệm kỳ này (2020-2025), Đồng Nai đang có những đột phá lớn với hàng loạt dự án lớn tầm cỡ quốc gia. Điển hình như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp tới sẽ hoàn thành và đi vào khai thác. Các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa không chỉ cho Đồng Nai, mà cả khu vực Đông Nam Bộ, bởi tính liên kết vùng rất cao. Tuy nhiên, tỉnh sẽ phải tiếp tục huy động thêm nhiều nguồn lực hơn nữa để hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng, tạo động lực cho sự phát triển đột phá cho tỉnh, nhất là hiện thực hóa quy hoạch phát triển tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tỉnh đã tổ chức lễ công bố.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, cần tránh bị động khi xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển. Đơn cử như trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh dự kiến sẽ thu về số tiền khoảng 45 ngàn tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, cùng với đó nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 95 ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, suốt thời gian qua, việc đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn do thị trường bất động sản ảm đạm, dẫn đến tháng 6 vừa qua đã phải điều chỉnh giảm còn 36 ngàn tỷ đồng, phần còn lại còn nằm trên giấy chưa thể đấu giá được.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, phải nỗ lực đề nghị Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho tỉnh như đã từng làm được năm trước, trong khi các tỉnh đều giảm tỷ lệ thì riêng Đồng Nai vẫn được Trung ương tăng từ 45% lên 50%. Tỉnh muốn tiếp tục tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, theo đồng chí Nguyễn Hữu Nguyên là vẫn có thể, bởi vừa qua Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã làm việc với tỉnh và đã hiểu được những khó khăn cũng như nhu cầu của tỉnh về nguồn vốn. Do đó, tỉnh có thể đề xuất với Trung ương cho Đồng Nai được tiếp tục tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách trong 3 năm tới để có thêm nguồn lực đầu tư, từ đó tạo thêm nhiều động lực mới, sau đó có thể quay lại với mức điều tiết như hiện nay.

Công Nghĩa


Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO: 

Cần giải pháp tăng thu ngân sách

 

Mấy năm qua, tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng (chỉ có năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là giảm). Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng. Nhưng có nghịch lý, thu ngân sách lại giảm qua từng năm. Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh được 66 ngàn tỷ đồng; năm 2022, thu được 65 ngàn tỷ đồng; năm 2023, thu được 58 ngàn tỷ đồng và dự ước năm 2024 thu được 56 ngàn tỷ đồng.

Như vậy, từ năm 2021 đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh giảm 10 ngàn tỷ đồng. Do đó, tỉnh phải lý giải rõ vấn đề này để có giải pháp tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa HỒ VĂN NAM: 

Gỡ vướng về quy hoạch cho Biên Hòa

 

Biên Hòa đô thị loại I được công nhận năm 2015, đến nay gần 10 năm nhưng qua rà soát, đánh giá các tiêu chí đô thị loại I hiện nay chỉ được khoảng 1-2 điểm.

Rà soát tất cả tiêu chí đô thị loại I, muốn nâng cao các tiêu chí này phải hoàn thành 21 phân khu, mà hiện nay 11/21 phân khu đang bị dừng. Biên Hòa đang xin chủ trương của tỉnh xử lý các phân khu bị dừng và các phân khu đã được phê duyệt nhưng đến thời điểm này không còn phù hợp để thực hiện các bước thu hút nguồn lực đầu tư cho
Biên Hòa.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư NGUYỄN HỮU NGUYÊN:

Chuẩn bị tốt để sẵn sàng khả năng hấp thụ vốn

 

Sắp tới, Luật Đầu tư công mới sẽ có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho địa phương. Chẳng hạn, hiện tại chỉ những dự án nhóm A mới được tách riêng phần giải phóng mặt bằng thành một dự án, còn sắp tới tất cả các dự án đầu tư công đều có thể tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Do đó, cần làm tốt khâu chuẩn bị hồ sơ dự án từ khâu khảo sát, tư vấn, thiết kế, đấu thầu, tránh việc tư vấn, thiết kế yếu đến khi triển khai lại phải điều chỉnh, dẫn tới chậm tiến độ và tăng vốn .

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

3 năm tới sẽ xây dựng thêm 5 trường trung học phổ thông công lập

 

Trong giai đoạn 2025-2027, Sở Giáo dục và đào tạo đề xuất xây dựng 5 trường trung học phổ thông công lập ở 5 địa bàn là: Biên Hòa, Trảng Bom (2 địa phương có tỷ lệ huy động học sinh vào trường tư thục nhiều), Vĩnh Cửu, Thống Nhất và Nhơn Trạch (3 địa phương có tỷ lệ huy động học sinh vào trường trung học phổ thông công lập thấp). Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 ngàn tỷ đồng (mỗi trường 200 tỷ đồng).

Ngoài vốn đầu tư công thì còn kinh phí hoạt động và lương từ nguồn sự nghiệp với khoảng 35-41 tỷ đồng/năm, kéo dài thời gian tăng trong vòng 3 năm. Để nâng tỷ lệ học sinh học các trường công lập từ 65% lên 75% (tương đương 6-8 ngàn học sinh) thì cần tới 900-1.200 biên chế.

Quỳnh Trang - Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều