Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp thứ 8 trình Quốc hội thông qua, trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo về chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: DUY LINH |
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách
Chiều 20-10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ông Vũ Minh Tuấn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kỳ họp sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 21-10, dự kiến bế mạc vào sáng 30-11, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21-10 đến hết ngày 13-11; đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng 30-11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 29,5 ngày.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có báo cáo về tình hình thiệt hại, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả sau bão.
Quang cảnh họp báo về chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: DUY LINH |
Ngoài ra, kỳ họp cũng xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, kỳ họp lần này được tổ chức ngay sau sự thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 10, với tinh thần nhìn lại thời gian qua, cả nước tập trung, nỗ lực bứt phá, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp.
Với tính chất cấp bách đó, kỳ họp lần này có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay với nhiều vấn đề lớn được xem xét, thảo luận, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại họp báo. Ảnh: DUY LINH |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Chính phủ nhiều lần, họp nhiều phiên để đề ra chương trình kỳ họp, với 31 nhiệm vụ lập pháp, 16 nhiệm vụ kinh tế-xã hội, hơn 80 đề án, 132/154 đầu tài liệu chính thức được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8.
Trung ương giới thiệu nhân sự, Quốc hội thực hiện quy trình bầu Chủ tịch nước vào ngày mai
Tại họp báo, đại diện các cơ quan Quốc hội cũng giải đáp các câu hỏi của các phóng viên, đại diện các hãng thông tấn về các nội dung liên quan chương trình Kỳ họp thứ 8.
Về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện Chính phủ mới trình lên Quốc hội hôm qua. Xác định đây là nội dung quan trọng, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng, nghiêm túc.
Liên quan công tác nhân sự, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, sáng mai (21-10) trong phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ xem xét thông qua chương trình Kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung về công tác nhân sự.
Theo đó, dự kiến trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại họp báo. Ảnh: DUY LINH |
Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, công tác nhân sự Chủ tịch nước được tiến hành theo nguyên tắc Đảng cử, dân bầu. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Trung ương đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm cụ thể hóa các quy định của Đảng.
"Liên quan tới công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, Quốc hội sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật. Trong chương trình đã có bố trí thời gian để thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội", bà Hải nêu rõ.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin