Quyết định số 190-QĐ/TW ngày 10-10-2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng được đánh giá đã khắc phục những nội dung không còn phù hợp, không liên quan trực tiếp đến bầu cử…
Bầu cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2027 ở Chi bộ Công ty TNHH Pousung Việt Nam, thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp huyện Trảng Bom. Ảnh: Phan Tú |
Tại Hội nghị Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi nói về một số nội dung cơ bản sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết, Quyết định số 190 đã thay thế Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương về Quy chế bầu cử trong Đảng, đồng thời lược bỏ những nội dung đã có trong các quy định khác của Trung ương và bổ sung những nội dung đã rõ, đủ cơ sở lý luận, thực tế chứng minh là đúng, được đồng thuận, thống nhất cao.
Bổ sung trách nhiệm của người đề cử nhân sự
Quy chế bầu cử trong Đảng quy định về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập tại đại hội được sửa đổi lại như sau: chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp mình theo quy định.
Đồng thời, bổ sung thêm nhiệm vụ: chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua.
Về nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội được bổ sung thêm: bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới.
Về thành phần hồ sơ ứng cử, ngoài thành phần cũ theo Quyết định 244-QĐ/TW, quy định mới yêu cầu bổ sung 2 loại tài liệu là: kết luận tiêu chuẩn chính trị của cấp ủy có thẩm quyền theo quy định; bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền).
Quyết định 190 cũng bổ sung trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy khi thực hiện thủ tục đề cử. Cụ thể: người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy ĐÀO VĂN PHƯỚC cho biết, Đồng Nai sẽ thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội đối với cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi có đủ điều kiện (không thực hiện đối với các Đảng bộ trong quân đội, công an). Đối với những nơi đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, đại hội phải lấy phiếu giới thiệu nhân sự bí thư cấp ủy trong số các đồng chí vừa trúng cử vào cấp ủy khóa mới. Trường hợp đại hội giới thiệu nhân sự khác với phương án nhân sự đã được cấp ủy có thẩm quyền pê duyệt thì không tiến hành bầu cử và phải báo cáo cấp ủy cấp trên cho ý kiến chỉ đạo.
Bổ sung các điểm mới về bầu cử
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Quyết định 190 là quy định lại việc thảo luận, biểu quyết lập danh sách đối với đại hội (hội nghị).
Theo đó, người ứng cử, người được đề cử mà không được cấp ủy triệu tập đại hội đề cử phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được từ trên 30% tổng số đại biểu (đảng viên) dự đại hội (hội nghị) đồng ý giới thiệu mới được đưa vào danh sách để đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định. Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đại hội (hội nghị) quyết định. Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội (hội nghị) về những người được đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử.
Căn cứ kết quả xin ý kiến, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu.
Về kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử bí thư, phó bí thư cấp ủy được quy định lại như sau: sau khi được bầu, bí thư điều hành ngay công việc của cấp ủy khóa mới, được ký văn bản với chức danh bí thư; bí thư khóa trước bàn giao công việc cho bí thư mới trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi có bí thư mới. Trường hợp chưa bầu được chức danh bí thư thì cấp ủy khóa mới thống nhất phân công một đồng chí phó bí thư ký các văn bản với chức danh phó bí thư. Đồng chí phó bí thư Đảng ủy quân sự cấp tỉnh, cấp huyện được ký các văn bản với chức danh phó bí thư ngay sau khi được bầu.
Quyết định cũng quy định rõ cách tính kết quả bầu cử trong trường hợp số người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu, cụ thể: những người trúng cử là những người có số phiếu cao hơn lấy từ trên xuống cho đến khi đủ số lượng cần bầu. Nếu cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu, chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch đại hội (hội nghị) lập danh sách những người ngang phiếu nhau đó để đại hội (hội nghị) bầu lại và lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu tiếp hay không do đại hội (hội nghị) quyết định.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin