Đồng Nai có dân số đông, trong đó 70% dân số là tín đồ các tôn giáo. Toàn tỉnh thu hút hơn 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành phố đến làm việc. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều công trình dự án trọng điểm cấp quốc gia…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Biên Hòa dự Lễ ra mắt mô hình Chính quyền thân thiện ở phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa). Ảnh: TL |
Những đặc điểm này đòi hỏi công tác dân vận ở Đồng Nai luôn phải đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả để phù hợp với tình tình thực tế từng giai đoạn.
Chú trọng dân vận chính quyền
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cho biết, Đồng Nai đã xác định công tác dân vận chính quyền là khâu đột phá trong công tác dân vận của tỉnh những năm qua. Đến nay, toàn tỉnh có hàng ngàn mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đã được công nhận, áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là mô hình “Xây dựng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”, hiện đã triển khai ở tất cả các phường, xã trong tỉnh. Yêu cầu của mô hình này là cán bộ, công chức cấp cơ sở khi tiếp dân, giải quyết công việc cho dân luôn phải thực hiện “4 xin”, “4 luôn” và “5 không”. Trong đó, “4 xin” gồm: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; “4 luôn” gồm: luôn mỉm cười, luôn thấu hiểu, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; “5 không” gồm: không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Đồng Nai đã và đang triển khai nhiều công trình dự án cấp quốc gia, trong đó có Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cả hệ thống chính trị trong tỉnh, nhất là huyện Long Thành, luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, di dời nơi ở cũ đến nơi ở mới để nhường đất xây dựng công trình cấp quốc gia.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Hữu Thành cho biết, để thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phải thu hồi 5 ngàn hécta đất; giải tỏa hơn 5,5 ngàn hộ dân. Thực tế cho thấy, khi thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bao giờ cũng nảy sinh những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và dễ phát sinh điểm nóng.
Trong nhiều cuộc họp, hội nghị và khi làm việc với các đơn vị, địa phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH luôn nhấn mạnh, để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có hiệu quả, chăm lo cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn, rất cần những cán bộ, đảng viên thật sự tận tâm với dân. Làm được việc đó thì Đảng ta mới mạnh và hợp lòng dân. |
Nhận thức sâu sắc những khó khăn, thách thức này, huyện Long Thành chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, mọi việc phải công khai rõ ràng, đúng pháp luật cho người dân được biết theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Những kiến nghị chính đáng của người dân thì cấp ủy, chính quyền phải xem xét giải quyết kịp thời, thỏa đáng.
Với cách làm trên của huyện, trên 90% hộ dân tự giác chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án. Từ đó, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) Nguyễn Thị Thanh Lê chia sẻ, 95% dân số của xã theo đạo Công giáo. Trước khi triển khai một chủ trương, chính sách nào, cấp ủy và chính quyền xã đều trao đổi trước với chức sắc, chức việc để phát huy kênh truyền thông tôn giáo tuyên truyền sâu rộng đến bà con chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong (người đứng bìa phải) kiểm tra công tác chuẩn bị ra mắt Chính quyền thân thiện và cải cách hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện. Ảnh: Nguyệt Hà |
Kết quả, từ một xã “trắng” về đảng viên, nay 100% ấp không những có chi bộ mà còn đủ số đảng viên để bầu chi ủy. Trước đây, xã thường xuyên có thanh niên chống lệnh nhập ngũ, nay có gia đình tình nguyện xin cho con được nhập ngũ.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã đã ý thức được vai trò chủ thể, đóng góp tiền của, công sức để đưa Quang Trung trở thành xã đầu tiên của huyện Thống Nhất đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022.
Chăm lo đời sống nhân dân
Để chăm lo tốt đời sống nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, trên địa bàn tỉnh còn triển khai mô hình “Buổi sáng với nhân dân”. Vào buổi sáng các ngày làm việc trong tuần, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh dành một tiếng đồng hồ tiếp dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có bức xúc, vướng mắc có thể gặp ngay lãnh đạo để phản ánh mà không cần chờ đến các cuộc tiếp dân hay tiếp xúc cử tri theo định kỳ.
Cùng với tiếp dân buổi sáng hàng ngày, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và lãnh đạo các ngành còn thực hiện nghiêm việc tiếp dân theo quy định của Đảng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) bộc bạch, sau nhiều năm, gia đình bà đến các cơ quan chức năng để khiếu nại về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình mà không có kết quả thỏa đáng, đầu năm 2023, gia đình bà đã tìm đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để trình bày khiếu nại, tố cáo với mong muốn được giải quyết vụ việc.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy CAO TIẾN DŨNG cho biết, năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho triển khai một số mô hình dân vận khéo, trong đó có mô hình “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”. Tới đây, tỉnh sẽ đánh giá kết quả thực hiện mô hình này và có thể triển khai thực hiện đến cấp huyện.
Sau khi lắng nghe công dân trình bày và căn cứ vào hồ sơ, tài liệu vụ việc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đã chỉ đạo UBND thành phố Biên Hòa và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đến nay, trường hợp của gia đình bà Dung đã được giải quyết. Gia đình bà rất vui mừng, xúc động trước sự vào cuộc trách nhiệm, tâm huyết, đặt quyền lợi chính đáng của người dân lên trên hết, trước hết của lãnh đạo tỉnh.
Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung cho biết, không dừng lại ở những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp nghiên cứu tổng kết thực tiễn về công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, qua đó để có cơ sở xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân vận cho nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại Hội thảo khoa học về Công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vừa được tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị 6 nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân vận mà các địa phương, đơn vị cần tập trung thời gian tới.
Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đổi mới phương thức, quản lý, điều hành, xây dựng phong cách làm việc “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Cần xem lại vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chăm lo, giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; đặc biệt trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức để xem xét bố trí cán bộ. Bên cạnh đó, thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ dân chủ trực tiếp theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...
Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: “Mục tiêu, lý tưởng của Đảng bao giờ cũng phụng sự mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, không làm được thì Đảng không có ý nghĩa, chính quyền không có giá trị trong lòng dân”.
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin