Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Sân bay Biên Hòa (31-10)
Xứng danh Đoàn Pháo binh Biên Hòa

Nguyệt Hà
07:10, 31/10/2024

60 năm trước, Chiến thắng Sân bay Biên Hòa (31-10-1964) của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đoàn Pháo binh Biên Hòa - tiền thân Lữ đoàn 75, Quân khu 7 ngày nay và các cơ quan phối hợp làm nức lòng quân, dân cả nước.

Huấn luyện nạp đạn khẩu đội pháo 130mm.
Huấn luyện nạp đạn khẩu đội pháo 130mm. Ảnh:ĐVCC

Thắng lợi to lớn tiếp tục tô thắm truyền thống “Chân đồng vai sắt, đánh giỏi bắn trúng” của bộ đội Pháo binh Việt Nam anh hùng và truyền thống Pháo binh miền Đông Nam Bộ “Xung kích, đánh giỏi, bắn trúng, toàn năng, khoa học, sáng tạo, tự lực tự cường” của CBCS Lữ đoàn 75 ngày nay.

Chiến thắng… lay lầu trắng

Trực tiếp có mặt tại chiến trường Đông Nam Bộ và cùng được hưởng tinh thần, khí thế của Chiến thắng Sân bay Biên Hòa cách đây 60 năm, các cựu chiến binh (CCB) của Lữ đoàn 75 - Đoàn Pháo binh Biên Hòa xưa kia như: Hoàng Đình Tiếp (83 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) hay Nguyễn Xuân Thơi (81 tuổi, nguyên Chủ nhiệm Quân y Lữ đoàn 75)… cùng nhiều CCB kể lại, lúc đó tinh thần Chiến thắng Sân bay Biên Hòa động viên CBCS hăng hái xông lên lập công, trả thù cho những tội ác mà đế quốc, tay sai gây ra cho đồng bào ta và đồng đội của các ông.

CCB Hoàng Đình Tiếp nhớ lại, tin Chiến thắng Sân bay Biên Hòa đến khi ông đang chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Dù gian khổ, khắc nghiệt trong điều kiện chiến tranh nhưng thắng lợi của Chiến thắng Sân bay Biên Hòa ngày 31-10-1964 khích lệ, động viên ông cũng như nhiều đồng đội nỗ lực vượt lên khó khăn, nguy hiểm để chiến thắng quân thù.

Từ phiên hiệu Đoàn U80 Pháo binh Miền, năm 1969, Bộ Tư lệnh Miền quyết định đổi phiên hiệu đơn vị thành Đoàn 75 và tặng danh hiệu “Đoàn Pháo binh Biên Hòa”. Từ đây, danh hiệu “Đoàn Pháo binh Biên Hòa” đã gắn liền với chiến công của đơn vị những năm còn lại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2004, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Sân bay Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 quyết định lấy ngày 31-10 - Ngày Pháo binh Miền đánh trận lớn đầu tiên vào Sân bay Biên Hòa và lập công xuất sắc là Ngày truyền thống của Lữ đoàn 75.

“Cùng với đó, tôi còn khao khát vượt khó để được đánh vào chiến trường Đông Nam Bộ, được đặt chân lên nơi mà đế quốc coi là một trong những sân bay quân sự lớn nhất, bố trí, canh phòng cẩn mật nhất như thế nào. Đồng thời, để thấy được sự mưu trí, dũng cảm của CBCS Đoàn Pháo binh Biên Hòa và nhân dân ta trong thắng lợi… lay lầu trắng” - ông Tiếp bộc bạch.

Ước mơ của ông Tiếp đã thành hiện thực khi ông cùng đồng đội trực tiếp đánh vào chiến trường Đông Nam Bộ năm 1972 trong đội hình Tiểu đoàn 2, Binh chủng Pháo binh (sau này về Đoàn Pháo binh Biên Hòa), trực tiếp pháo kích vào Sân bay Biên Hòa, ngăn chặn sự tiếp viện cho Sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

Nguyên Chủ nhiệm Quân y Lữ đoàn 75 Nguyễn Xuân Thơi kể rằng, lúc đó ông cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước ngày nay). Sau này, ông về công tác về Bệnh viện K24 thuộc Bộ Tư lệnh Miền; làm Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Quân y 175; tham gia giúp nước bạn Campuchia đến 1979, ông về làm Chủ nhiệm Quân y Lữ đoàn 75.

Ông Thơi nói: “Ý nghĩa lớn nhất động viên chúng tôi lúc đó là tinh thần chính nghĩa, quyết tâm chiến đấu, giải phóng dân tộc. Đặc biệt, Chiến thắng Sân bay Biên Hòa đã làm… lay lầu trắng như 4 câu kết của Bác Hồ viết ca ngợi về chiến thắng này. Với mỗi CCB chúng tôi được sống hôm nay luôn biết ơn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ của nhân dân, nhất là những đồng đội hy sinh, không còn kịp chứng kiến ngày chiến thắng của dân tộc”.

Kế thừa truyền thống anh hùng

Theo lãnh đạo Lữ đoàn 75, trận tập kích đêm 31-10-1964 thể hiện lối đánh bí mật áp sát, táo bạo thọc sâu, bất ngờ, chỉ một thời gian ngắn, đơn vị đã bắn 130 quả đạn cối, rơi gọn và chính xác xuống các mục tiêu, phá hủy 59 máy bay, trong đó có 21 máy bay B57 mới đưa từ Mỹ sang, 11 máy bay AĐ6, 1 máy bay do thám U2, diệt và làm bị thương 293 tên địch, thiêu hủy và nổ tung 2 kho đạn, 1 kho xăng dầu, 1 đài quan sát và 18 trại lính. Địch không kịp phản ứng, lực lượng của ta rút về căn cứ an toàn.

Chiến thắng Sân bay Biên Hòa làm nức lòng quân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sau khi nhận tin thắng lợi, ngày 12-11-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết bài bình luận trên Báo Nhân Dân và kết thúc bằng 4 câu thơ: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay lầu trắng/ Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”…

Kế thừa xứng đáng truyền thống năm xưa, ngày nay CBCS Lữ đoàn 75 luôn đoàn kết vượt khó, quyết tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, lữ đoàn vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ, nhất là trong nhiệm vụ trung tâm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Thượng tá Nguyễn Văn Doanh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 75, cho hay đặc thù của huấn luyện pháo binh, nhất là việc hiệp đồng giữa đài chỉ huy và trận địa pháo là nội dung khó, đòi hỏi mỗi CBCS không chỉ nắm chắc nhiệm vụ, thuần thục động tác cá nhân, mà còn đặt ra yêu cầu cao về tinh thần đoàn kết lập công, hiệp đồng tập thể giữa các số trong khẩu đội và toàn phân đội. Vì thế, Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7) luôn chú trọng rèn luyện bộ đội sát thực tế, nâng cao khả năng hiệp đồng bảo đảm cho phân đội bắn trúng, bắn đúng thời cơ.

Thêm vào đó, trong tác chiến, pháo binh luôn có sự tham gia của nhiều chuyên ngành khác nhau như: trinh sát, đo đạc, kế toán, thông tin, pháo thủ nên việc tổ chức huấn luyện được Lữ đoàn 75 tiến hành toàn diện, chuyên sâu, chú trọng huấn luyện trên trang bị, khí tài mới, tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động đường dài pháo xe kéo, huấn luyện trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

“Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 75 tiếp tục tổ chức huấn luyện toàn diện, gắn với chuyên sâu có trọng tâm, trọng điểm, sát đặc điểm, nhiệm vụ của từng phân đội, trong đó lấy huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, huấn luyện cán bộ làm khâu then chốt, kết hợp huấn luyện chiến thuật với luyện tập các phương án cơ động, sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện” - thượng tá Doanh cho biết thêm.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều