Báo Đồng Nai điện tử
En

Đánh giá cán bộ: Khâu quan trọng của công tác cán bộ

Phương Hằng
07:00, 05/10/2024

Đánh giá cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, là cơ sở lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì Hội nghị Kiểm điểm, xếp loại tập thể và cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì Hội nghị Kiểm điểm, xếp loại tập thể và cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023. Ảnh:P.Hằng

Nhận thức đúng về ý nghĩa của đánh giá cán bộ, những năm qua, Đồng Nai thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, hướng dẫn về đánh giá cán bộ để phù hợp đặc thù của tỉnh.

Có thang điểm đánh giá cán bộ

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra 5 đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó đầu tiên là “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, thời gian từ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, với những kết quả đạt được của tỉnh và những hạn chế, khuyết điểm đủ để đánh giá cán bộ “ngồi” đúng vị trí hay không. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên phải thực hiện công tác cán bộ.

Đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “đánh giá cán bộ phải bám sát vào hiệu quả công tác của cán bộ”.

Để triển khai Nghị quyết XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, có yêu cầu: “Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể, với kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, địa phương. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.

Nhằm cụ thể hóa và thể chế hóa các chủ trương trên của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2000/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 124-QĐ/TW ngày 4-10-2023 về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Đối với Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn cụ thể hóa các quy định của Trung ương về đánh giá cán bộ như: Quyết định số 222-QĐ/TU ngày 16-5-2016 và nay là Quyết định số 1069-QĐ/TU ngày 28-2-2018 về việc ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ, trong đó đề ra 4 mức xếp loại dựa trên thang điểm 100.

Xếp loại rõ ràng

Theo Quyết định số 1069, cán bộ thực hiện việc tự chấm điểm thông qua các tiêu chí được xây dựng riêng cho từng đối tượng cán bộ, trong đó gồm 2 nhóm tiêu chí chính: thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tối đa 60 điểm) và chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật (tối đa 40 điểm).

Trong từng nhóm tiêu chí, có các tiêu chí được quy định mức điểm chuẩn tương ứng, đảm bảo cán bộ thực hiện việc tự chấm điểm đảm bảo tính khách quan, công bằng, dễ thực hiện.

Bên cạnh cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thực hiện việc phân cấp, phân quyền trong đánh giá cán bộ, gắn trách nhiệm cá nhân lãnh đạo với trách nhiệm tập thể.

Từ năm 2020-2023, đối với cán bộ, công chức, viên chức, bình quân hàng năm tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 30,81%; hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 66,22%; hoàn thành nhiệm vụ chiếm 2,55% và không hoàn thành nhiệm vụ chiếm 0,42%.

Đối với cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp huyện, tập thể lãnh đạo sở, ngành và tương đương quản lý, bình quân hàng năm tỷ lệ đạt tương ứng là 19,23%, 77,72%, 0,51% và 0,39%.

Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, bình quân hàng năm, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 19,42%; hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 80,10% và không hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm 0,47%.

Kết quả đánh giá cho thấy, đa số cán bộ khẳng định được phẩm chất, năng lực cá nhân trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Đánh giá ngày càng đi vào thực chất, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo không vượt quá 20% theo quy định của Trung ương. Kết quả đánh giá cán bộ đã giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy thực hiện ngày càng tốt các khâu trong công tác cán bộ.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS-TS Ngô Huy Tiếp cho rằng, đánh giá đúng cán bộ sẽ tạo động lực bền vững về tinh thần cho cán bộ. Cán bộ phải được tuyên dương, khen thưởng khi làm việc tốt; được đánh giá đúng và sử dụng, bố trí chức vụ cao hơn. Còn nếu cán bộ làm dở, làm sai nhưng có mối quan hệ tốt với cấp trên, vẫn được cất nhắc, như vậy mất động lực cho cán bộ khác; đồng thời, khiến chúng ta trả giá đắt.

Phương Hằng

Tin xem nhiều