Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng đội ngũ cán bộ tận tâm để giữ được lòng dân

Phương Hằng
07:01, 11/09/2024

Ngày 10-9, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu kết luận hội thảo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: CÔNG NGHĨA

Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo công tác dân vận của tỉnh và Cao Tiến Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo công tác dân vận của tỉnh chủ trì hội nghị.

Đánh giá sâu sát về công tác dân vận

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng do Trung ương và tỉnh đầu tư. Dân số của tỉnh trên 3,2 triệu người, xếp thứ 5 cả nước; có 32 khu công nghiệp, thu hút đông đảo công nhân lao động nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc (trên 1,2 triệu người); đồng thời, tỉnh có nhiều thành phần dân tộc và đông tín đồ tôn giáo (toàn tỉnh có 50 thành phần dân tộc; hơn 65% dân số là đồng bào theo đạo). Những đặc điểm trên tạo nên nhiều yếu tố thuận lợi cho Đồng Nai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú và cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và ban dân vận cấp huyện tiến hành khảo sát, lấy ý kiến trên 2,7 ngàn cán bộ, đảng viên đang làm việc ở tỉnh, huyện, xã và nhân dân về công tác dân vận.

Qua khảo sát, trên 87% ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tổ chức thường xuyên và kịp thời; 90% ý kiến rất hài lòng với việc giải quyết các ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân; trên 85% ý kiến cho rằng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương...

Tuy nhiên, qua khảo sát, có 33,67% ý kiến đánh giá việc phân công đảng viên trực tiếp làm công tác dân vận hiệu quả chưa rõ nét; 23,67% ý kiến cho biết việc công khai, bàn bạc với nhân dân về các quy hoạch, các dự án có liên quan được chính quyền địa phương thực hiện không nhiều; công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa được quan tâm thường xuyên.

Đáng chú ý, có 4,75% ý kiến cho biết sẽ không tin tưởng, phản ánh với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương mà khiếu nại lên cấp trên khi có những vấn đề bức xúc…

Từ những vấn đề trên, các tham luận và ý kiến tại hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ tầm quan trọng của công tác dân vận và chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận; những nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận trong tình hình mới.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho biết, cải cách hành chính (CCHC) được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Đồng Nai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3183/QĐ-UBND ngày 9-9-2021 về chương trình CCHC tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Qua đó, công tác CCHC đã được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai thực hiện và đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đạt được, kết quả đánh giá các chỉ số liên quan đến CCHC và thực tiễn kiểm tra cho thấy, công tác CCHC vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Đơn cử như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023 nhưng nhiều địa phương, ngay cả người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không nắm rõ và nắm không chắc luật nên tính công khai, minh bạch quá trình thực hiện các nội dung của chính quyền cơ sở không đến được với người dân.

Việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính (TTHC) ở nhiều nơi chưa được rà soát, thay thế kịp thời bằng những văn bản mới nên có địa phương niêm yết TTHC được ban hành cách đây… 5-7 năm.

Hầu hết các địa phương đều thành lập ban chỉ đạo CCHC, khi kiểm tra thì báo cáo có họp ban chỉ đạo nhưng việc họp chỉ “nằm” trên giấy, không có kết luận cuộc họp. Ở một số sở, ngành thành lập ban chỉ đạo CCHC, quy định người đứng đầu là trưởng ban chỉ đạo nhưng quá trình lãnh đạo, người đứng đầu giao cấp phó, cấp phó lại giao cho cấp dưới, dẫn đến không hiệu quả.

Đề cao tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên

Theo ông Nguyễn Quốc Vũ, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức gắn với kết quả thực hiện Đề án Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua. Quán triệt, thực hiện CCHC theo hướng “tập trung doanh nghiệp, hướng về cơ sở”; nâng cao chất lượng phục vụ - giải quyết TTHC tại cấp xã.

Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền, gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước...

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà cho rằng, hiện nhận thức của người dân về các vấn đề đã được nâng cao, người dân có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh, qua nhiều kênh, do đó việc tuyên truyền, vận động nhân dân ngày nay không phải như kiểu đọc một bài diễn văn mà tuyên truyền phải súc tích, đi vào vấn đề rõ ràng và có cam kết với nội dung tuyên truyền.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt diễn biến tâm trạng của nhân dân phải kịp thời. Không nắm bắt, định hướng kịp thời sẽ dẫn đến tâm lý lây lan rất nhanh chóng từ mạng xã hội.

Nguyên Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Liên nêu rõ, trong tình hình hiện nay, “Việc dân vận cốt ở yên dân…”, đó vừa là mục tiêu, vừa là phương châm về công tác dân vận lúc này.

Phải xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Có như thế, Nhà nước mới thực sự là của dân, do dân, vì dân; đẩy lùi tham nhũng; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân với Đảng.

Bên cạnh đó, vận động nhân dân tham gia vào chuyển đổi nền kinh tế số - kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm đưa nước ta thoát khỏi nguy cơ tụt hậu về kinh tế, đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao theo tầm nhìn đến năm 2045.

Phương Hằng

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh, bất kỳ một Đảng, Nhà nước nào, lòng dân là hết sức quan trọng; Đảng, Nhà nước có giữ được lòng dân hay không, khi ấy mới nói tới sự trường tồn. Do đó, mấu chốt của vấn đề là phải giữ được lòng dân, muốn vậy phải phụng sự nhân dân thật tốt. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta bao giờ cũng là phụng sự nhân dân, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân; không làm được điều này thì không có giá trị gì trong lòng dân. Bởi thế, trong bất kỳ giai đoạn nào, Đảng và Nhà nước cũng cần những cán bộ tận tâm, thực sự vì nhân dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, bên cạnh đội ngũ cán bộ luôn nỗ lực phụng sự nhân dân thì còn những cán bộ vô cảm, không trăn trở trước việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, làm theo kiểu “được chăng hay chớ”. Đội ngũ cán bộ như thế nhất định phải thay thế bằng đội ngũ cán bộ tốt hơn. Làm được điều này thì Đảng mới mạnh.

Tin xem nhiều