Để có dữ liệu khoa học phục vụ việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng bộ Đồng Nai về công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng trong thời gian tới; đồng thời phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030, ngày 21-9, Tỉnh ủy đã phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học và tọa đàm về “Xây dựng đội ngũ cán bộ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Các nhà lãnh đạo, nhà khoa học tham dự hội thảo ngày 21-9. Ảnh: ĐẮC NHÂN |
Các đại biểu dự hội thảo rất tâm huyết, hiến kế nhiều giải pháp sâu sắc cho Đảng bộ Đồng Nai để xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Phải bảo vệ cán bộ
PGS-TS Ngô Huy Tiếp, nguyên Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cán bộ phải có các tiêu chuẩn: trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng và trung thực với chính mình. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng vụ nhân dân; đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, Nhân dân lên trên hết, trước hết. Đội ngũ cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, quản lý và tham mưu; có ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết. Từ những tiêu chuẩn chung nói trên, tỉnh cụ thể hóa tiêu chuẩn cho từng loại cán bộ, như cán bộ của hệ thống chính trị, sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp nhà nước...
Theo đại tá TRẦN TIẾN ĐẠT, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ tốt, cán bộ giỏi, trước tiên đội ngũ làm tham mưu về công tác cán bộ phải công tâm, làm đúng theo chức trách.
Đồng thời phải tạo ra động lực bền vững cho cán bộ. Nếu cán bộ tốt, cán bộ giỏi, làm đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước thì đề bạt, bố trí cán bộ ở vị trí cao hơn, còn nếu cán bộ mà làm dở, làm sai nhưng có mối quan hệ tốt với cấp trên, vẫn được cất nhắc, như vậy mất động lực cho cán bộ khác.
Bên cạnh đó, cán bộ phải được bảo vệ bằng quy định pháp luật. Chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay là khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng khi cán bộ bị “tai nạn” nghề nhiệp mà xác định không phải vì tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm thì phải bảo vệ cán bộ. Có như vậy, cán bộ mới ra sức thực hiện tốt nhất chức trách nhiệm vụ được giao.
Đồng tình với ý kiến trên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng nhận định, hiện nay ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn. Như ở huyện Long Thành, thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phải giải tỏa 1 xã, di dời 28 ngàn nhân khẩu. Việc di dời này phải thực hiện trong thời gian rất gấp và dĩ nhiên, làm thì phải có sai sót, điều này là không tránh khỏi. Chỉ có không làm gì thì không sai, không có khuyết điểm. Do đó, khi xem xét kiểm điểm cán bộ phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, nếu làm vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích của nhân dân thì phải bảo vệ cán bộ. Cán bộ làm tốt phải tổ chức hội nghị tuyên dương, khen thưởng, tạo sức lan tỏa, khơi dậy sự tiến bộ của cán bộ.
Kịp thời khen thưởng cán bộ lãnh đạo tốt
Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt nêu, nhiều quy định hiện còn chồng chéo, chưa cụ thể rõ ràng nên cán bộ có tâm lý làm sợ bị sai, ngại không dám làm; làm việc gì cũng đắn đo suy nghĩ “ăn cơm nhà hay ăn cơm Nhà nước”; nên đứng trước hội đồng kỷ luật hay hội đồng xét xử. Từ đó, một số cán bộ khối Nhà nước đã xin sang làm khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể hoặc xin chuyển công tác, nghỉ việc.
Theo đồng chí Huỳnh Tấn Đạt, phải có cơ chế bảo vệ cán bộ rõ ràng để cán bộ yên tâm làm việc, cống hiến.
Không chỉ cần cơ chế bảo vệ cán bộ, Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt còn đề xuất, Trung ương cần bố trí biên chế theo đặc thù từng đơn vị, không nên bố trí biên chế theo kiểu cào bằng. Như ở thành phố Biên Hòa, dân số hơn 1,2 triệu người và có những phường, dân số
130-150 ngàn người, bằng dân số của một số huyện, nhưng biên chế cũng như các địa phương khác, do đó tạo áp lực rất lớn lên đội ngũ cán bộ khi công việc thì nhiều nhưng biên chế ít.
Bên cạnh đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đề ra, phải quan tâm bồi dưỡng cập nhật kiến thức thường xuyên cho cán bộ để cán bộ nắm bắt được các chủ trương, chính sách, quy định mới. Việc cập nhật kiến thức nên mời các chuyên gia, nhà khoa học để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ cho cán bộ.
Còn đại tá Trần Tiến Đạt, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho rằng để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đề ra, phải đánh giá cán bộ qua sản phẩm công việc. Nếu đánh giá dựa vào các tiêu chí chung chung thì rất khó đánh giá chính xác cán bộ.
Cũng theo đại tá Đạt, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng trong công tác cán bộ. Người đứng đầu gương mẫu, nêu gương tốt thì cấp dưới nể trọng, xây dựng được đội ngũ cấp dưới tốt. Người đứng đầu mà làm việc theo kiểu cảm tính, theo ý chí của bản thân, theo phe cánh thì không lựa chọn được cán bộ tốt. Muốn chọn được cán bộ tốt cũng nên thi tuyển giống như việc để chọn được học sinh giỏi, bao đời nay ngành giáo dục vẫn áp dụng việc thi học sinh giỏi.
Phương Hằng
Đồng chí LÊ KIM BẰNG, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc:
Phân công cán bộ phải đúng sở trường và năng lực
Muốn đánh giá đúng cán bộ, phải định lượng bằng các tiêu chí cụ thể, song các tiêu chí đưa ra còn rất chung chung. Theo tôi, việc đánh giá cán bộ phải cụ thể, phù hợp từng chức vụ, chức danh, chứ không phải tất cả trong hệ thống chính trị có mẫu đánh giá chung như nhau. Như thế vô hình trung sẽ là chung chung.
Bên cạnh đó, để đánh giá đúng cán bộ phải có không gian và tạo điều kiện cho cán bộ sáng tạo. Muốn có không gian và điều kiện cho cán bộ sáng tạo thì bố trí cán bộ phải đúng sở trường, năng lực của cán bộ, nếu không đúng sở trường, khó mà sáng tạo được. Chính vì vậy, việc phân công cán bộ phải phù hợp năng lực, sở trường của cán bộ.
PGS-TS LÊ KIM VIỆT, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, giảng viên cao cấp Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Cần đánh giá tổng kết thực tiễn nhiều vấn đề đang đặt ra
Vừa rồi, Đảng ta có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tại sao lại phải có chủ trương này? Theo tôi, trong cơ chế và thể chế hiện nay thì cán bộ không dám nói, không dám làm vẫn cứ tồn tại.
Bác Hồ đã nói, người ta không dám nói không phải vì người ta không biết mà vì nói sợ bị trù ú nên sinh ra thói nói thậm thà thậm thụt, không nói trước mặt thì nói sau lưng. Hoặc luân chuyển cán bộ, chỉ thấy mặt tốt của luân chuyển nhưng hiện nay luân chuyển cán bộ đang là nỗi ám ảnh của một số cán bộ. Rồi chỗ nào cũng kiến nghị phải phân cấp cán bộ nhưng phân cấp không có kiểm soát thì tạo ra cát cứ, lạm quyền và lộng quyền.
Theo thống kê của tôi, có hơn 45 tỉnh, thành phố tập thể lãnh đạo của tỉnh, thành đó bị kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Những vấn đề nêu trên chưa thấy đánh giá tổng kết, lý giải vì sao lại như thế, do đó theo tôi cần phải đánh giá tổng kết thực tiễn để lý giải nguyên nhân và có giải pháp.
Quỳnh Trang (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin