Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận

Văn Truyên
07:00, 07/09/2024

Từ năm 2019 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh Đồng Nai đã tổ chức giám sát được gần 2,4 ngàn cuộc và 523 hoạt động phản biện xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cùng đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường trung học phổ thông Chu Văn An (thành phố Biên Hòa) và lắng nghe kiến nghị của nhà trường.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cùng đoàn kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường trung học phổ thông Chu Văn An (thành phố Biên Hòa) và lắng nghe kiến nghị của nhà trường. Ảnh: Sông Thao

Nội dung giám sát và phản biện xã hội tại Đồng Nai rất đa dạng, gắn liền với những vấn đề người dân quan tâm, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Chủ động giám sát, phản biện xã hội

Hiện số lượng ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh là hơn 6,4 ngàn người. Đội ngũ này có đầy đủ đại diện của tất cả thành phần tôn giáo, dân tộc trên địa bàn tỉnh, các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia của các ngành.

Với bộ máy được kiện toàn và xuất phát trên tinh thần vì lợi ích chung của nhân dân, vì xã hội tốt đẹp hơn, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã công tâm, minh bạch, khách quan tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, theo dõi quá trình thực hiện. Qua đó, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức phản biện xã hội trung bình mỗi năm trên 100 cuộc. Riêng về giám sát, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức mỗi năm gần 500 cuộc.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN đề nghị Mặt trận các cấp cần tăng cường vai trò giám sát và phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp để thường xuyên đối thoại, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền về những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vấn đề mà nhân dân mong đợi; góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để đạt được kết quả này, hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh đã có rất nhiều nỗ lực trong bố trí nguồn nhân lực tham gia hoạt động giám sát, xóa bỏ tâm lý “ngại” thực hiện giám sát… Đồng thời, thông qua phản biện các dự thảo nghị quyết trước khi được trình HĐND tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp đã kịp thời chỉ ra nhiều “lỗ hổng” để hoàn thiện. Hay có không ít dự thảo nghị quyết sau khi được MTTQ Việt Nam các cấp phản biện phải tạm dừng để điều chỉnh cho phù hợp.

Chẳng hạn như thông qua cuộc khảo sát, giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2020 đến ngày 30-6-2023, đối với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, nhiều vấn đề đã được đơn vị này tiếp thu.

Theo ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc  Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai, những góp ý sau buổi làm việc, như: yêu cầu ngân hàng cần tập trung thực hiện tốt các chương trình cho vay tín dụng chính sách. Đồng thời, không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với người tham gia triển khai tín dụng chính sách vì mục tiêu phục vụ người dân. Quá trình thực hiện thủ tục cho vay phải chặt chẽ song thời gian giải quyết cần nhanh chóng, linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho người dân song song với bảo toàn vốn nhà nước… những nội dung này tiếp tục được đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Nâng chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Có thể thấy, hoạt động giám sát, phản biện xã hội được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần làm cho hoạt động ở cơ sở đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của người dân. Đồng thời, thông qua phản biện xã hội đã cung cấp thêm nhiều góc nhìn cho các đơn vị thực hiện dự thảo nghị quyết nhằm chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện nội dung, căn cứ pháp lý trước khi trình HĐND thông qua và áp dụng vào cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, công tác giám sát, phản biện xã hội còn tồn tại một số hạn chế, nhất là ở cơ sở; chưa theo dõi và có giải pháp đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát; hoạt động của ban thanh tra nhân dân nhiều nơi còn hình thức; việc phát huy vai trò của Mặt trận tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương chưa hiệu quả.

Từ thực tế này, trong nhiệm kỳ 2024-2029, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ đưa hoạt động giám sát, phản biện xã hội trở thành hoạt động thường xuyên của công tác Mặt trận. Nội dung hoạt động này nhằm tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần vào việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp trong giai đoạn mới, nhất là khi Đồng Nai trở thành đại công trường của cả nước với hàng loạt công trình trọng điểm được triển khai và tất cả đều liên quan đến giải tỏa để lấy mặt bằng thực hiện công trình. Vì vậy, ngoài đóng vai trò vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Mặt trận các cấp còn tham gia giám sát quá trình kiểm kê diện tích đất và tài sản trên đất giữa cơ quan chức năng với bà con.

Đồng thời, Mặt trận các cấp sẽ tận dụng quá trình chuyển đổi số, mạng xã hội để tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân để thực hiện giám sát kịp thời. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức phản biện xã hội những vấn đề người dân quan tâm, Mặt trận và các tổ chức thành viên thấy cần thiết phải phản biện thay vì chờ các đơn vị xây dựng dự thảo nghị quyết đề nghị được phản biện.

Văn Truyên

Từ khóa:

phản biện xã

MTTQ

Tin xem nhiều