Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi trẻ em tuyên truyền cho trẻ em

Nga Sơn
07:15, 28/09/2024

Bằng việc tuyên truyền các hoạt động Đội; quyền trẻ em; tình hình thời sự; tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông; phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội; phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích…, các đội tuyên truyền măng non tại trường học đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền cho đội viên, thiếu nhi.

Các thành viên Đội Tuyên truyền măng non của thành phố Long Khánh tham gia biểu diễn tại Liên hoan Tuyên truyền măng non tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ảnh: N.Sơn
Các thành viên Đội Tuyên truyền măng non của thành phố Long Khánh tham gia biểu diễn tại Liên hoan Tuyên truyền măng non tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ảnh: N.Sơn

Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, hoạt động thường xuyên của đội tuyên truyền măng non tại trường học đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội viên, thiếu nhi trong trường học.

Tuyên truyền trong trường học…

Nhiều năm nay, cứ vào giờ ra chơi giữa buổi học, đội viên, thiếu nhi ở Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) lại được nghe chương trình phát thanh với nhiều nội dung bổ ích. Bên cạnh việc cung cấp cho đội viên, thiếu nhi thông tin về hoạt động của liên đội, bản tin phát thanh măng non còn cung cấp thông tin về hoạt động Đội cấp trên; tuyên truyền về các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, của tổ chức Đoàn, Đội; tình hình thời sự địa phương, đất nước. Bên cạnh đó là câu chuyện Bác Hồ với thiếu nhi; những tấm gương anh hùng; những câu chuyện đẹp trong cuộc sống…

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Đội tỉnh, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 473 đội tuyên truyền măng non với trên 54 ngàn đội viên, thiếu nhi tham gia.

Thầy Nguyễn Tuấn Hoàng, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, chia sẻ đội tuyên truyền măng non của trường đã có từ lâu. Để thực hiện các chương trình phát thanh măng non vào giờ ra chơi mỗi ngày, cá nhân thầy Hoàng là người xây dựng kịch bản, sưu tầm những thông tin liên quan trên báo, website chính thống, fanpage của Đoàn, Đội các cấp. Sau khi có kịch bản, các thành viên trong đội tuyên truyền măng non sẽ thu âm, chỉnh sửa và phát trên hệ thống loa phát thanh và đăng tải trên các trang mạng xã hội của liên đội.

Theo thầy Hoàng, hoạt động phát thanh măng tại trường hiện nay thuận lợi hơn nhiều so với trước. Các thành viên trong đội tuyên truyền măng non có thể sử dụng các phần mềm thu âm và phát nhiều lần mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Thậm chí có thể sử dụng thiết bị hẹn giờ, phát thanh tự động vào giờ ra chơi.

Các thành viên trong Đội Tuyên truyền măng non Trường trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện chương trình phát thanh măng non.

Thầy Cao Tiến Dũng, giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường, cho biết thầy chỉ đóng vai trò định hướng, kiểm duyệt, còn việc tìm kiếm thông tin, viết bài, thu âm, chỉnh sửa hoàn thiện đều do các thành viên trong đội tuyên truyền măng non thực hiện. Chương trình phát thanh măng non sau khi thu sẽ được chép vào USB và cắm vào hệ thống phát tự động vào những khung giờ đã cài đặt sẵn.

Nội dung của chương trình phát thanh măng non do thành viên đội tuyên truyền măng non thực hiện nên từ nội dung đến hình thức đều phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Vì vậy, nội dung tuyên truyền cũng dễ đến được với thiếu nhi hơn. Thêm vào đó, chương trình phát thanh măng non còn phát thêm những bài hát được học sinh yêu thích… để thu hút sự chú ý của đội viên, thiếu nhi.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tuyên truyền măng non

Nhằm tạo cơ hội để các đội tuyên truyền măng non giao lưu, chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các đội tuyên truyền măng non trong trường học, Hội đồng Đội tỉnh vừa tổ chức Liên hoan Tuyên truyền măng non tỉnh Đồng Nai năm 2024.

Tại liên hoan, các đội tuyên truyền măng non đại diện cho các đơn vị tham gia hội thi đã đem đến nhiều hình thức tuyên truyền sống động. Trong đó có thể kể đến là phần dự thi của Đội Tuyên truyền măng non Trường trung học cơ sở Lý Tự Trọng (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom). Với tiểu phẩm kết hợp ca, hò, vè, các thành viên trong đội đã tuyên truyền về 3 nguyên tắc vàng trong phòng chống đuối nước; cách xử lý khi gặp một trường hợp bị đuối nước... Qua đó, tiểu phẩm nhấn mạnh, mùa hè là thời điểm thiếu nhi được nghỉ ngơi, vui chơi nhiều; đồng thời, cũng là mùa mưa lũ. Do đó, để đảm bảo an toàn, trẻ em luôn cần có kiến thức, kỹ năng. Mọi người, mọi nhà và toàn xã hội hãy hành động vì một môi trường an toàn, không có tai nạn đuối nước đối với trẻ em.

Hay như tiểu phẩm Quan mộng tiên thủy, các thành viên trong Đội Tuyên truyền măng non của thành phố Long Khánh đã tuyên truyền về đảm bảo an toàn trên môi trường mạng; phòng chống đuối nước; quy tắc 5 ngón tay - dạy trẻ tránh bị lạm dụng tình dục; quy tắc ứng xử chung trên không gian mạng; một số quyền cơ bản của trẻ em…

Em Nguyễn Ngọc An Nhiên (lớp 9/3, Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh), một nhân vật trong tiểu phẩm Quan mộng tiên thủy, cho biết trong bối cảnh bùng nổ thông tin, mạng xã hội, trẻ em được tiếp xúc nhiều hơn với thông tin, nhưng bên cạnh đó cũng phải đối diện với nhiều nguy cơ. Là một trong những nhân vật trong tiểu phẩm, cá nhân An Nhiên biết thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng, tránh xâm hại tình dục, phòng chống đuối nước… Đồng thời, thông qua tiểu phẩm, An Nhiên muốn gửi đến thông điệp: “Bản thân mình là quan trọng nhất. Hãy luôn tin tưởng vào gia đình, nhà trường và xã hội. Mọi trẻ em đều không đơn độc trên hành trình trưởng thành”.

Là một trong những khán giả có mặt tại liên hoan, em Lê Vương Minh Anh (học sinh lớp 7/5, Trường trung học cơ sở Thống Nhất, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) cho hay, việc xem những tiểu phẩm tuyên truyền giúp em dễ dàng ghi nhớ kiến thức, kỹ năng. Nhờ đó mà Minh Anh biết được những nguy cơ đang rình rập trẻ em cũng như cách phòng tránh.

“Em nghĩ rằng, nên tăng cường hình thức tuyên truyền sinh động như vậy trong trường học, hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn so với cách tuyên truyền một chiều” - Minh Anh nói.

Nga Sơn

Tin xem nhiều
cách dùng canxi tăng chiều cao cho bé tạo biệt danh theo tên