Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩm Mỹ dẫn đầu về số điểm thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn

Nga Sơn
11:37, 25/09/2024

(ĐN) - Theo tin từ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, tính đến cuối tháng 8-2024, toàn tỉnh có 159 xã, phường, thị trấn có mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn với 460 điểm.

Cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Sông Nhạn đưa rác có khả năng tái sử dụng, tái chế về điểm tập kết. Ảnh: ĐVCC
Cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Sông Nhạn đưa rác có khả năng tái sử dụng, tái chế về điểm tập kết. Ảnh: ĐVCC

Trong đó, huyện Cẩm Mỹ là đơn vị dẫn đầu về số điểm thực hiện mô hình với 77 điểm. Tiếp đến là thành phố Biên Hòa với 75 điểm; huyện Long Thành 56 điểm. Các đơn vị còn lại có từ 14-48 điểm.

Bên cạnh việc thành lập các điểm thực hiện mô hình, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Tài nguyên và môi trường đã tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn.

Trong đó, các đơn vị đã tổ chức các cuộc thi; triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường; xây dựng tờ hướng dẫn, sổ tay phân loại, thu gom chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế…

Đồng thời phối hợp tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa và thực hiện mô hình.

Phụ nữ phường An Hòa (thành phố Biên Hòa) đưa rác thải nhựa tập kết tại điểm thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Ảnh: Nga Sơn
Phụ nữ phường An Hòa (thành phố Biên Hòa) đưa rác thải nhựa tập kết tại điểm thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Ảnh: Nga Sơn

Tại các địa phương, thông qua các buổi sinh hoạt tại cơ sở, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên và ngành tài nguyên và môi trường đã tuyên truyền về bảo vệ môi trường; lợi ích của việc phân loạt chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại hộ gia đình. Bên cạnh đó tuyên truyền về ý nghĩa của mô hình góp phần nâng cao ý thức phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế từ hộ gia đình…

Nhờ đó, trong 3 tháng, từ các điểm thực hiện mô hình đã thu gom được gần 173 ngàn kg chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế với tổng số tiền sau khi bán gần 236 triệu đồng.

Từ nguồn kinh phí bán chất thải rắn đã tổ chức trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà trẻ mồ côi, các trường hợp khó khăn, gia đình chính sách; đổi chất thải lấy quà; tặng thẻ bảo hiểm y tế… với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Số tiền còn lại hỗ trợ các hoạt động Hội ở cơ sở; các hoạt động xây dựng cảnh quan đô thị, khu dân cư Sáng - xanh - sạch - đẹp…

Nga Sơn

Tin xem nhiều