Bên cạnh việc huy động, tập hợp quần chúng thông qua các tổ chức thành viên để cùng thực hiện mục tiêu chung là đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, hệ thống Mặt trận còn đặc biệt chú trọng xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao đổi với cán bộ Mặt trận phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa. Ảnh:S.Thao |
Nỗ lực này đã góp phần đưa hình ảnh của MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và cá nhân tham gia công tác này trở nên gần gũi với quần chúng, trở thành tiếng nói đại diện của nhân dân.
Nâng cao vai trò của Mặt trận
Đồng Nai hiện có 170 chủ tịch và 170 phó chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; 936 trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Tùy vào đặc điểm của khu dân cư, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương mà người làm công tác Mặt trận xây dựng nên những mô hình kết nối người dân theo phương châm: tăng cường, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Để làm được điều này, MTTQ Việt Nam tỉnh đã củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam các cấp theo hướng tinh gọn. Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố thường xuyên được củng cố, kiện toàn và hoạt động hiệu quả.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với 12 đơn vị. Còn ủy ban MTTQ Việt Nam mỗi huyện, thành phố đã ký kết từ 6-8 quy chế, chương trình phối hợp với đơn vị cùng cấp.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn theo từng chuyên đề cho người làm công tác Mặt trận các cấp. Các hội đồng tư vấn của Mặt trận cấp tỉnh, ban tư vấn của Mặt trận cấp huyện được củng cố về tổ chức, mở rộng thành phần và hoạt động từng bước được nâng lên. Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ công tác chuyên môn đối với cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để có hướng dẫn phù hợp.
Đồng Nai có đến 70% dân số là tín đồ các tôn giáo. Mặt trận các cấp đã vận động được cá nhân tiêu biểu trong từng tôn giáo, dân tộc thiểu số và các nhân sĩ, trí thức tham gia tổ chức Mặt trận.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cho biết, thông qua việc hoàn thành tổ chức đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam 2 cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2024-2029 đã lựa chọn được hơn 5,7 ngàn cá nhân tham gia ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã. Trong số này có 320 người dân tộc thiểu số, cùng gần 1,2 ngàn người có đạo. Còn tổng số ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố là 648 người, trong đó ủy viên là người dân tộc thiểu số có 51 người và ủy viên là người có đạo là 121 vị.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận triển khai các nhiệm vụ, nhất là sự phối hợp trong triển khai những chương trình giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên cho hay, tháng 6-2023, đơn vị cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp. Theo đó, MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên sẽ phối hợp cùng đơn vị thực hiện hỗ trợ người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn chính sách; đảm bảo vốn chính sách phát huy hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng…
Linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ
Trong quá trình thực hiện công tác Mặt trận, tùy vào từng thời điểm, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã linh hoạt tăng - giảm từng nội dung và xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
Cụ thể, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác phòng, chống dịch, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp các tổ chức thành viên thực hiện tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống dịch.
Do thời điểm này đang thực hiện giãn cách xã hội nên người dân thiếu thốn về nhu yếu phẩm. Trong khi đó, việc huy động sức dân thực hiện các mô hình trồng cây xanh tạo cảnh quan, xây dựng nhà ở cho người nghèo… phải tạm dừng. Từ thực tế này, Mặt trận các cấp trong tỉnh chủ động vận động, kêu gọi các tổ chức và nhân dân đóng góp sức người, sức của cùng phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, đã có 10,5 ngàn tổ Covid cộng đồng, 187 đội tình nguyện phòng tuyến áo xanh ra đời với hàng chục ngàn người tham gia. Trong số này, có 653 tình nguyện viên là các vị chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo đã tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch.
Mặt trận các cấp đã tiếp nhận đóng góp bằng tiền, hàng trên 1,1 ngàn tỷ đồng để cùng với nguồn lực Nhà nước đảm bảo không để người dân bị thiếu ăn trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
Khi cuộc sống người dân trở lại bình thường, Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục động viên, khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng cuộc sống và trở thành cầu nối trong việc huy động sức mạnh quần chúng.
Thực hiện Phong trào Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp cùng các ngành, tổ chức thành viên vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy, đã có trên 3,8 ngàn tỷ đồng được triển khai để giúp bà con xây nhà tình thương, cấp vốn sản xuất, tặng học bổng…
Riêng với Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đã có 65 mô hình đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở được triển khai; trên 200 mô hình bảo vệ môi trường được thực hiện ở khu dân cư.
Những kết quả tích cực này đã góp phần đưa Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của cả nước vào năm 2019. Riêng huyện Xuân Lộc trở thành một trong 3 huyện của cả nước được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Trước đó, Đồng Nai được Trung ương công nhận là tỉnh hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin