Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự kiên định của Đảng với hệ tư tưởng đã chọn

Sao Khuê
08:15, 21/08/2024

Hiện nay, lợi dụng ưu thế lan truyền nhanh chóng, khó kiểm soát của các nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch ồ ạt tung ra nhiều bài viết với đủ mọi luận điệu xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Họ cho rằng vì lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng nên hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã tan rã, họ kêu gọi, thậm chí “khuyên rất chân thành” rằng Đảng ta hãy từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nếu không muốn đi theo vết xe đổ của Liên Xô và Đông Âu, và hãy từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Vạch trần những luận điệu sai trái, xuyên tạc , khẳng định sự kiên định của Đảng đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Vì vậy, vạch trần những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên, khẳng định sự kiên định của Đảng đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là việc làm vừa lâu dài, vừa cấp bách, nhất là khi chúng ta đang tiến tới Đại hội XIV của Đảng, nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nền tảng tư tưởng của Đảng.

Vì sao Đảng ta kiên định hệ tư tưởng đã chọn?

* Sự kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng, trước hết xuất phát từ mối quan hệ giữa bản chất chính trị, bản chất giai cấp của Đảng với hệ tư tưởng mà Đảng ta đã lựa chọn và theo đuổi.

Thực tiễn cho thấy, đã là một đảng chính trị thì bản chất chính trị của đảng bao giờ cũng bị chi phối bởi tính chất và nội dung của hệ tư tưởng mà đảng đó lựa chọn làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Và, bất cứ một đảng chính trị nào cũng đều lựa chọn một hệ tư tưởng nhất định làm cơ sở để tập hợp lực lượng và thống nhất trong hành động. Nếu đảng nào không có hệ tư tưởng dẫn dắt, đảng đó sẽ không có sức mạnh, chỉ là một tổ chức rời rạc và rất dễ mất phương hướng. Như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đường kách mệnh được viết năm 1927: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Trên thực tế, các đảng theo khuynh hướng tư sản bao giờ cũng chọn hệ tư tưởng tư sản để theo đuổi và các chính đảng mác-xít sẽ lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng của mình. Vì vậy, việc kêu gọi Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin vốn dĩ được xác định là nền tảng tư tưởng của Đảng là nhằm thực hiện mưu đồ làm thay đổi bản chất chính trị, bản chất giai cấp của Đảng, khi đó Đảng ta sẽ không còn là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, không còn là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc thì sớm muộn gì Đảng cũng sẽ tan rã. Đấy chính là mục tiêu sâu xa mà các thế lực phản động đã và đang kiên trì theo đuổi, nên chúng ta cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác để không sa vào âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. 

* Sự kiên định nền tảng tư tưởng đã chọn của Đảng ta còn vì thực tiễn cho thấy nguyên nhân sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không bắt nguồn từ bản thân chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Sự sụp đổ của Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể - mô hình kiểu Xô Viết, chứ không đồng nghĩa với “sự cáo chung của học thuyết Mác” như các thế lực phản động vẫn rêu rao. Trong bài viết Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã? của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 4-1992 cũng đã chỉ ra rằng: “sự xa rời, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nguyên nhân tệ hại dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực và làm tan rã Đảng về mặt chính trị tư tưởng” và “Sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng như sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, càng chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin không sai, không lỗi thời, mà chính là vì người ta hiểu sai và làm sai chủ nghĩa Mác - Lê-nin”, còn vì đã “làm trái những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”. Chúng ta không nói sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là tất yếu, chúng ta càng không mong muốn điều đó xảy ra, nhưng từ đó, chúng ta nhận rõ hơn những khuyết tật của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết và nhiều bài học kinh nghiệm mà chúng ta rút ra được, nhất là bài học về sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, những người cộng sản và cách mạng chân chính sẽ rút ra được nhiều bài học bổ ích, sẽ có thêm kinh nghiệm và bản lĩnh để tiếp tục đấu tranh cho thắng lợi cuối cùng của mục đích mà mình theo đuổi”.

Việt Nam còn thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với hơn 100 quốc gia. Từ một nước nghèo, lạc hậu và thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên trở thành một cường quốc về xuất khẩu gạo, trong nhóm những quốc gia có thu nhập trung bình. Đặc biệt, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu trầm lắng nhưng Việt Nam đã vinh dự được ghi tên vào danh sách 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

* Đảng ta kiên định nền tảng tư tưởng đã chọn, vì thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh chủ nghĩa Mác - Lê-nin mãi là ngọn đèn soi sáng con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc và đem lại hạnh phúc thật sự cho nhân dân.

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, hàng trăm cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân nổ ra đều sáng ngời tinh thần yêu nước và ý chí quật cường nhưng đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Chỉ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận được chủ nghĩa Mác - Lê-nin và truyền bá tư tưởng đó vào Việt Nam mới tạo ra bước ngoặt trong phong trào yêu nước của dân tộc ta, đưa cách mạng nước ta tiến lên. Qua hành trình ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp các châu lục, tiếp cận với nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, Bác đi đến kết luận: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vô cùng to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đưa Việt Nam tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển, trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, có quan hệ kinh tế - thương mại với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Thế và lực của đất nước không ngừng tăng lên. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng đang là thành viên tin cậy, có trách nhiệm của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế như: ASEAN, WHO, APEC, IMF, WB…

Tuy vậy, trong quá trình lãnh đạo đất nước có những lúc Đảng cũng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Nhưng những sai lầm, khuyết điểm đó đều xuất phát từ việc nhận thức và vận dụng chưa đúng với tinh thần và bản chất của học thuyết Mác - Lê-nin chứ không phải vì bản thân của học thuyết đó sai. Điều này cũng đã được Đảng ta công khai thừa nhận: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan”. Vậy nên, không thể vì những khuyết điểm, sai lầm nhất thời trong lãnh đạo của Đảng mà bác bỏ vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với cách mạng nước ta.

Những sự thật sáng rõ này là minh chứng thuyết phục nhất về giá trị của chủ nghĩa Mác, về sức sống của chủ nghĩa Mác ở Việt Nam. Và đó cũng là lý do để Đảng ta tiếp tục kiên định với nền tảng tư tưởng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

Sao Khuê

Tin xem nhiều