Rà soát, sàng lọc và cương quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, phẩm chất chính trị, lý tưởng, ý chí chiến đấu là một trong những việc làm rất cần thiết để Đảng ta thêm mạnh hơn.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (trái) trao đổi với đảng viên xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ) trong buổi dự sinh hoạt chi bộ ở cơ sở. Ảnh: C.Nghĩa |
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1,4 ngàn đảng viên bị xóa tên và xin ra khỏi Đảng, trong đó có 708 đảng viên bị xóa tên và 733 đảng viên xin ra khỏi Đảng.
Cần chất lượng hơn số lượng
Con số đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay không phải quá lớn so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh hiện nay là hơn 89 ngàn. Điều này cũng cho thấy, công tác rà soát, sàng lọc đảng viên đã được các tổ chức Đảng quan tâm, thực hiện theo đúng tinh thần Hướng dẫn số 02-HD/BTCTW ngày 12-4-2021 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Tại Hội nghị Gặp gỡ các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa 6 tháng đầu năm 2024 mới đây, lãnh đạo tỉnh cho biết, có nhiều nguyên nhân đảng viên bị xóa tên ra khỏi Đảng, trong đó có đảng viên đã tự ý bỏ sinh hoạt Đảng mà không có lý do. Có trường hợp đảng viên không đóng đảng phí 3 tháng trong năm mà không có giải trình chính đáng, không thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của người đảng viên theo quy định của Đảng. Không ít trường hợp trong số đảng viên bị xóa tên có biểu hiện giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng của người cộng sản.
Với những trường hợp đảng viên trước khi bị xóa tên đều được chi bộ tiến hành giáo dục nhiều lần nhưng không có tiến bộ. Đây được xem là những hành động quyết liệt của các tổ chức Đảng, giúp Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh. Xét một cách toàn diện, một tổ chức Đảng mạnh thì không thể có những đảng viên yếu kém về nhận thức chính trị, suy giảm ý chí phấn đấu.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng cho biết, nhiều đảng viên bị xóa tên khỏi Đảng từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Nhiều trường hợp phải đi làm ăn xa, làm việc cho các doanh nghiệp nên không có điều kiện sinh hoạt Đảng một cách đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, có những trường hợp đảng viên đi lao động ở nước ngoài theo diện xuất khẩu lao động, hoặc đi định cư cùng người thân ở nước ngoài nên không còn điều kiện dự sinh hoạt một cách đầy đủ nên xin ra khỏi Đảng.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp đảng viên là người lao động trong doanh nghiệp, khi chấm dứt hợp đồng lao động đã không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Thậm chí, có trường hợp dù đã thực hiện được thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về nơi mới nhưng sau đó lại không nộp hồ sơ ở nơi mới theo quy định.
Tính đến ngày 15-6, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được gần 1,1 ngàn đảng viên mới, đạt tỷ lệ hơn 41%, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên trên 89 ngàn.
Phải tiếp tục rà soát, sàng lọc
Theo nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư, Đảng là một “cơ thể sống”, vì vậy đảng viên được Đảng kết nạp và cho ra khỏi Đảng là chuyện bình thường. Cũng theo đồng chí, có phát triển thì phải có đào thải. Một khi người đảng viên đã không còn đủ bản lĩnh chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút sức chiến đấu và phẩm chất đạo đức thì cũng không còn xứng đáng ở trong hàng ngũ của Đảng. Việc cho ra khỏi Đảng những trường hợp đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn là việc làm rất cần thiết.
Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Thị Minh Hoàng cho rằng, cần đánh giá rõ hơn nguyên nhân tình trạng đảng viên bị xóa tên, xin ra khỏi Đảng có xu hướng tăng. Trong điều kiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đang tốt lên, việc đảng viên xin ra khỏi Đảng phải tìm cho rõ nguyên nhân, có giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng nói trên, giúp Đảng thêm vững mạnh.
Một số ý kiến cũng cho rằng, các tổ chức Đảng phải làm tốt hơn nữa công tác phát triển Đảng, đảm bảo chất lượng ngay từ đầu. Trong đó, cần rà soát thật kỹ nguồn phát triển Đảng mới, không được chạy theo chỉ tiêu phát triển đảng viên hàng năm mà bỏ qua chất lượng là yếu tố rất quan trọng. Những người được kết nạp vào Đảng phải thực sự là người cộng sản trong tổ chức của những người cộng sản, đồng thời coi đây là yếu tố để Đảng ta không chỉ mạnh mà còn phát triển bền vững.
Để tiếp tục rà soát, sàng lọc và cương quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, phẩm chất chính trị, lý tưởng, ý chí chiến đấu, nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức Đảng cần thường xuyên thực hiện tốt việc quản lý đảng viên. Quá trình phân công nhiệm vụ cho đảng viên phải đi liền với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên ngay từ chi bộ, nhất là thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng để có chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, để rà soát và sàng lọc đảng viên một cách hiệu quả, cần nắm bắt phản ánh về đảng viên trong nhân dân, nhất là qua các tổ chức đoàn thể, qua đó kịp thời phát hiện những đảng viên có biểu hiện vi phạm tư cách cần phải xem xét, chấn chỉnh và giáo dục kịp thời. Với những trường hợp không còn đủ tư cách của người đảng viên thì phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin