Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng

Hòa Bình
11:31, 05/08/2024

“Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm” là phương châm nhất quán trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng ta.

Nhấn mạnh quyết tâm này, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ với các mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp như thời gian qua và mở rộng phòng chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài Nhà nước. Thông điệp được người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta kịp thời truyền đi thời điểm này làm nức lòng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào Đảng, Nhà nước, đồng thời, đập tan luận điệu sai trái mà những kẻ “theo đóm ăn tàn” lợi dụng sự ra đi của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xuyên tạc, phá hoại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN

“Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm”

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có tiếp tục không, có điều chỉnh gì không là điều dư luận, người dân đang rất chờ đợi. Đặc biệt, sau những thành công đột phá, vượt bậc trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng mà người đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và chỉ đạo quyết liệt, bền bỉ hơn một thập kỷ qua, người dân Đồng Nai cùng cả nước đều mong muốn lãnh đạo kế cận sẽ tiếp nối thông điệp: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”, từ người tiền nhiệm.

Lòng dân chính là ý Đảng, hơn nữa, chống tham nhũng, tiêu cực còn là mệnh lệnh sống còn của Đảng và trực tiếp liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Vì lẽ đó, thông điệp ban đầu tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết sẽ kế tục công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tại buổi họp báo ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, đã củng cố thêm niềm tin của đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội, không thể đảo ngược, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định. Niềm tin mãnh liệt đó của nhân dân càng được xác tín, khi đồng chí Tô Lâm bộc bạch chân thành cùng với thái độ cầu thị rằng: Cá nhân may mắn khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công an đồng thời làm Phó ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Bây giờ, được sự tin tưởng của Đảng, tín nhiệm của nhân dân giao luôn trọng trách làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí rất mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự giám sát của nhân dân. Cũng theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta  “có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công tác này thì chúng ta sẽ thành công".

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa nhắc lại đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm: "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai"; "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh sẽ tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi tham nhũng vặt, mở rộng phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng.

Những quan điểm kiên quyết, rõ ràng như vậy có thể được hiểu như cam kết chính trị mạnh mẽ của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta trước toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng quốc tế về nỗ lực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Đây cũng là vũ khí dập tắt những thủ đoạn xuyên tạc mà các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn chế độ, phản động đã tung ra những ngày qua.

Ngọn lửa lòng tin thiêu rụi luận điệu “rác rưởi”

Ngay khi “tổng tư lệnh” cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, trên một số trang mạng xã hội cá nhân, những kẻ “theo đóm ăn tàn” (mà sinh thời đồng chí Nguyễn Phú Trọng gọi đó là biểu hiện của “lươn, chạch”) đã hùa theo bóp méo, phủ nhận thành quả công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta dưới sự chỉ đạo của cố Tổng Bí thư. Miệng lưỡi chúng ám chỉ vu vơ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “người đốt lò vĩ đại” không còn, lò có tiếp tục cháy?; Ai sẽ nối tiếp sự nghiệp đốt lò? ; “Còn lại điều gì từ công cuộc củi, lửa?”. Mấy kẻ này  không quên lặp lại giọng điệu phán xét nguy hiểm rằng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chỉ là “chiêu trò thanh trừng bè phái”. Một số kẻ xấu còn vội vàng suy diễn: “cụ Tổng đi, lò lửa tắt”; “công cuộc đốt lò thất bại hoàn toàn”. Ở cái gọi là diễn đàn trên trang web của Tổ chức khủng bố Việt Tân, các đối tượng chống cộng thuộc “Hội anh em dân chủ” hàm hồ quy chụp “công cuộc đốt lò sẽ lụi tàn” khi “người đốt lò vĩ đại đã nằm xuống”, “tất cả chỉ còn công cốc”.

Dù những kẻ tự khoác danh cái gọi là “đấu tranh vì dân chủ, công bằng xã hội” có xảo ngôn như thế nào đi nữa, thì những người Việt Nam yêu nước chân chính cũng sớm nhận ra bộ mặt thật xấu xa, ti tiện của những kẻ quay lưng lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Mục đích chúng muốn hạ bệ kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã đạt được, nhằm tạo khoảng trống tâm lý, kích động chia rẽ nội bộ, gây nên sự hoang mang, phân tâm, dao động trong các tầng lớp nhân dân về công tác này.

Từ chỗ cố ý bôi nhọ hạ thấp uy tín của Đảng, kẻ xấu nhắm đến tạo ra sự lo lắng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, khả năng quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nếu ai đó bốc đồng, thiếu bản lĩnh, yếu lập trường sẽ khó tránh khỏi rơi vào “tự diễn biến” tư tưởng, bất đồng chính kiến, phai nhạt lý tưởng, mất niềm tin vào Đảng và chế độ, thậm chí bị kẻ địch giật dây, xúi giục, lôi kéo hoạt động chống đối.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá “công tác phòng, chống tham nhũng chỗ này chỗ kia có nghi ngờ nhưng rõ ràng thống nhất rất cao".

Minh chứng cho nhận định này, cựu chiến binh Phạm Tuấn Khang, ngụ khu phố 1, phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, cho rằng: “Đồng chí Tô Lâm xuất thân là một công an, nay được phân công làm Tổng Bí thư,  Chủ tịch nước, sẽ tiếp tục phát huy “hơi nóng” từ cái “lò” bác Trọng để lại và với truyền thống đó thì tôi nghĩ rằng đồng chí cùng với Bộ Chính trị sẽ làm tốt cái việc tiếp nối bác Trọng, tôi tin tưởng như thế còn bởi vì đường lối của đảng luôn luôn sáng suốt”.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, người dân phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, bày tỏ kỳ vọng: “Cái “lò” đang cháy như bác Trọng nói “củi tươi vào đây cũng phải cháy”, thì mong là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân noi gương bác Trọng chống tham nhũng, tiêu cực  triệt để, làm tốt những gì còn dang dở, để không phụ lòng cố Tổng Bí thư đã gầy dựng bao nhiêu năm nay”.

Thành quả to lớn, vững chắc đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới thời lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người dân ủng hộ, đánh giá cao, đã góp phần quyết định làm cho Đảng, hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đáng chú ý, báo cáo do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố những năm gần đây đã liên tiếp ghi nhận Việt Nam có tiến bộ nổi trội về phòng, chống tham nhũng (tăng hơn 30 bậc trong vòng 10 năm 2012-2022, trên bảng xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát).

“Phải làm quyết liệt, triệt để, làm sao chiến thắng được giặc nội xâm"

 “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”, nhiều người từ giới “tinh hoa” đến những người dân bình thường nhất trong xã hội đều thuộc nằm lòng lời nhắn nhủ thấm thía này của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta tin rằng, “Lời điếu” được  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm đọc trong giây phút tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Quốc tang: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện một lòng thực hiện ước nguyện của đồng chí, khắc cốt ghi tâm lời căn dặn “Nếu là người, hãy là người Cộng sản”, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước, trong đó có đồng chí đã lựa chọn”, cũng chính là lời hứa thiêng liêng trước anh linh “người đốt lò vĩ đại” mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân sẽ nghiêm túc nêu cao khí thế, quyết tâm hiện thực hóa cho bằng được.

Từ di sản đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nâng tầm thành lý luận với phương thức, cách làm rất bài bản, hợp lý, khoa học mà “ngọn lửa” Nguyễn Phú Trọng để lại, nhất là tinh thần "trên dưới đồng lòng", "tiền hô hậu ủng", "nhất hô bá ứng" và "dọc ngang thông suốt" sẽ không ngừng lan tỏa, tạo nên sức mạnh “đốt cháy” cái sai, cái xấu, cái ác. Hơn bao giờ hết, thực tiễn đòi hỏi chống tham nhũng, tiêu cực trên chặng đường nước rút hơn một năm nữa tiến tới Đại hội XIV của Đảng, càng phải được làm mạnh, đẩy lên thành cao trào. Như, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ “công việc này phải làm quyết liệt, triệt để, làm sao chiến thắng được giặc nội xâm". Suy nghĩ, hành động chuẩn mực theo “hiệu lệnh” của người đứng đầu Đảng ta hiện nay, giải quyết gốc rễ vấn đề hệ trọng này, là giải pháp thúc đẩy từng bước để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”. Theo đó, nhất định Đảng ta lúc nào cũng đoàn kết, nhân dân càng đoàn kết với Đảng, kề vai sát cánh phấn đấu hoàn thành sứ mệnh xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Hòa Bình

 

Tin xem nhiều