Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Lâm Viên
08:15, 28/08/2024

Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã, đang và sẽ được Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo, tiếp nối, phát huy và phát triển với phương châm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực”, “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Công tác này ngày càng đạt được những kết quả tích cực, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân vào quyết tâm làm trong sạch bộ máy chính trị của Đảng, Nhà nước; không như những luận điệu chống phá, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch cho rằng: “Đảng chống tham nhũng “phần ngọn” làm suy sụp nền kinh tế”, “gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư”, cho rằng chúng ta “tự đập vỡ nồi cơm”. Những luận điệu chống phá trên mới xuất hiện trên trang Facebook cá nhân t. với video clip dài hơn 8 phút có tiêu đề: “Làm sao để chống tham nhũng “phục vụ kinh tế?””.

Không có chuyện “Đảng chống tham nhũng phần ngọn”

Ngày 14-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã họp phiên thứ 26. Theo thông tin từ phiên họp, 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.005 đảng viên (tăng 34 tổ chức Đảng và 1.055 đảng viên so với cùng kỳ năm 2023). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý…

Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, các Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh đã đưa 107 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý; các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 444 vụ án, 1.003 bị can về tham nhũng. Nhiều địa phương đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý, cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp huyện của địa phương.

Rõ ràng, từ các thông tin trên cho thấy, ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực từ cấp Trung ương đến cấp địa phương hoạt động hiệu quả, đạt được những kết quả cụ thể, không như luận điệu xuyên tạc cho rằng “Đảng chống tham nhũng phần ngọn” mà các thế lực thù địch rêu rao.

Kết luận phiên họp thứ 26, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Tại phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước TÔ LÂM nhấn mạnh: PCTN, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện

Đối với luận điệu cho rằng công tác PCTN “làm suy sụp nền kinh tế”, “tự đập vỡ nồi cơm”, là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật và không có căn cứ.

Trong cuốn Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh PCTN, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Đây chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh PCTN đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại”.

Về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng của năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương PHAN XUÂN THỦY đề nghị, cần đẩy mạnh tuyên truyền làm nổi bật kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 với những số liệu, kết quả cụ thể.

Thực tiễn cho thấy, tình hình kinh tế Việt Nam thời gian qua tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 8-2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đỗ Thành Trung đã thông tin chuyên đề tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố, diễn biến mới phát sinh, vượt ngoài khả năng dự báo; kinh tế thế giới phục hồi chậm và thiếu vững chắc; thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu tiếp tục biến động mạnh…, nhưng tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024 của nước ta đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, khái quát thành 10 điểm nổi bật.

Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế quý II-2024 đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ/2024-CP (6%) và dự báo của các tổ chức quốc tế như: UOB dự báo tăng trưởng Việt Nam quý II là 6%, BIDV dự báo là 5,9-6,3%, Stardard Chartered dự báo 5,3%; sau kết quả 6 tháng, HSBC nhận định Việt Nam sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm. Như vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được các tổ chức tài chính quốc tế công nhận bằng các nghiên cứu khách quan, trên cơ sở phân tích dựa vào số liệu thực tế, cụ thể; không như những lời bịa đặt, suy diễn vô căn cứ của các thế lực thù địch.

Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng như các năm trước đại dịch Covid-19. Khu vực công nghiệp - xây dựng trở lại là động lực tăng trưởng của nền kinh tế (GDP khu vực công nghiệp - xây dựng 6 tháng tăng 7,51% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%)…

Xuất khẩu 7 tháng tăng 15,7% so với cùng kỳ, là điểm sáng của nền kinh tế, xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc đều tăng trưởng tích cực; cán cân thương mại duy trì mức xuất siêu cao, 7 tháng đạt 14,08 tỷ USD. Trên đà tăng trưởng tích cực, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 6,5-7% (cao hơn 0,5% so với Nghị quyết của Quốc hội). Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,4% trong giai đoạn 2024-2029, thuộc nhóm 10 nước tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới…

Đối với luận điệu cho rằng “gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư”, đó hoàn toàn là lời bịa đặt, bởi tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 7 tháng của năm 2024 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ; trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%. Chất lượng dòng vốn FDI tăng nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng, tập trung vào các dự án FDI chất lượng cao; nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và tăng vốn.

Những cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên đều chứng minh những luận điệu của các thế lực thù địch là hoàn toàn sai sự thật, nhằm phá hoại sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ta. Mỗi người dân càng cần phải củng cố niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, góp sức tích cực đưa đất nước tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội.

Lâm Viên

Tin xem nhiều