Báo Đồng Nai điện tử
En

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Nguyệt Hà
07:00, 17/08/2024

Đó là một trong những nội dung được Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh, nhấn mạnh tại Tọa đàm Đối thoại về công tác CCHC năm 2024 diễn ra sáng 16-8.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại tọa đàm.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại tọa đàm.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, dù có những chuyển biến tích cực trong kết quả CCHC năm 2023 và 7 tháng năm 2024 nhưng so với thực tiễn của Đồng Nai thì nhiệm vụ này chưa tương xứng. Để thực hiện hiệu quả công tác CCHC, cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Trong đó, phải lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để phục vụ.

Chuyển biến về tư duy

Sau khi phân tích các yếu tố thuận lợi, khó khăn trên địa bàn cùng Đồ án Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, với những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, Đồng Nai luôn đạt được những thành tích tốt trong thu hút đầu tư. Cụ thể, 7 tháng của năm 2024, thu hút vốn đầu tư đạt kết quả khả quan với trên 11,6 ngàn tỷ đồng vốn trong nước, gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023 và trên 981 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Các dự án đầu tư mới đều có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến…

Ông Nguyên cho biết thêm, mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước, đi đầu trong phát triển về kinh tế hàng không, công nghiệp hiện đại - công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Lấy Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và logistics. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế…

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu tập trung chấn chỉnh khâu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người dân, DN đúng quy định. Khắc phục dứt điểm tình trạng hồ sơ trễ hẹn kéo dài, dừng, trả hồ sơ chưa đúng quy định, không nhập dữ liệu lên phần mềm một cửa Egov, kết thúc hồ sơ khi chưa có kết quả trả người dân dẫn đến phản ánh, kiến nghị lên Tổng đài 1022; thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân, DN khi hồ sơ trễ hẹn…

Muốn thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ DN và đẩy nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo đúng quy định, đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư.

CĐS là công cụ quan trọng để đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành công tác quản lý của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các DN công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường...

Chia sẻ về nội dung CĐS và CCHC, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường cho rằng, các sở, ngành, địa phương khi thực hiện số hóa hồ sơ và CĐS nên bám vào Thông tư 01/2023/TT-VPCP ngày 5-4-2023 của Văn phòng Chính phủ quy định một số nội dung, biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (Thông tư 01).

“Trong bối cảnh người ít, việc nhiều mà bộ TTHC khá nhiều, người làm CĐS phải có tư duy để trong nhiều thủ tục, nhiều bước phải suy nghĩ lựa chọn những bước với cơ sở dữ liệu phù hợp ngành mình, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dân, DN mới có hiệu quả” - ông Trường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trường, thực tế này cho thấy những nơi thành công trong CĐS và số hóa TTHC thì 70% đến từ tư duy con người, còn công nghệ chỉ chiếm 30%...

Là “cánh tay nối dài” trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, 7 tháng năm nay, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với các ngành hỗ trợ người dân, DN thực hiện 190.833 hồ sơ trực tuyến (hơn 72,6%); chuyển, phát trả kết quả 262.798 hồ sơ; tỷ lệ trực tiếp giảm rất nhiều, chỉ còn khoảng 27%.

Theo Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Dương Thị Việt Hương, các lĩnh vực, các ngành có lượng hồ sơ trực tuyến nhiều là giao thông vận tải; xử phạt vi phạm hành chính, căn cước công dân, đăng ký xe; riêng căn cước công dân bình quân mỗi ngày chuyển phát trên 3 ngàn lượt…

Người dân, doanh nghiệp là động lực, mục tiêu phục vụ

Theo Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) Dương Kim Trúc, địa phương luôn xác định mục đích chính, yêu cầu trọng tâm của CCHC là phục vụ tốt nhất người dân, DN. 8 nội dung về CCHC được triển khai, tuyên truyền, niêm yết công khai để dân biết, dân làm, dân đồng thuận.

Trong đó, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức đã được quy định trong khâu hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Niêm yết công khai các TTHC đã được UBND tỉnh công bố tại trụ sở UBND phường và tại các văn phòng khu phố. Thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi đối với các trường hợp trễ hạn hồ sơ trong giải quyết TTHC…

Kết luận tọa đàm, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đánh giá cao công tác chuẩn bị, nhất là các ý kiến trao đổi của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt nghiêm các chỉ đạo của cấp trên về CCHC nói chung, nhất là về các chỉ số còn thấp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện CCHC theo định hướng “tập trung DN, hướng về cơ sở”, nâng cao chất lượng phục vụ giải quyết TTHC cấp xã…

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức lưu ý tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, nhất là trong chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, khắc phục hạn chế. Chấn chỉnh trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều