Tại Hội nghị Đối thoại giữa đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh với 150 đại biểu là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự (HTNVQS) trở về địa phương vào sáng 24-8, nhiều ý kiến đề cập đến chính sách dành cho thanh niên xuất ngũ.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh:N.Sơn |
Đối thoại vừa là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, vừa là dịp để các đồng chí lãnh đạo tỉnh định hướng cho thanh niên sau khi HTNVQS trở về địa phương.
Quan tâm vấn đề học nghề, việc làm
Anh Nguyễn Duy Thắng, ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ), đề cập đến vấn đề thẻ học nghề dành cho thanh niên xuất ngũ. Theo anh Thắng, thẻ học nghề là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với quân nhân sau khi xuất ngũ; ghi nhận những cống hiến của quân nhân cho Tổ quốc. Tuy nhiên, thẻ học nghề chỉ dùng cho đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp thì chưa thật sự mang lại lợi ích cho thanh niên xuất ngũ. Anh Thắng đề nghị, thẻ học nghề cần mở rộng cho nhiều trình độ khác nhau nhằm tạo động lực để thanh niên đăng ký học nghề sau khi xuất ngũ.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành quan tâm đến chất lượng cuộc sống thanh niên xuất ngũ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ xem đây là tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Có ý kiến cho rằng, thẻ học nghề chỉ có giá trị sử dụng trong thời gian một năm là quá ngắn. Nhiều trường hợp khó khăn, khi xuất ngũ xin đi làm tại công ty, xí nghiệp để trang trải cuộc sống, đến khi muốn học nghề thì thẻ học nghề hết hạn…
Liên quan đến những nội dung này, Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng, thẻ học nghề có thời hạn 1 năm được quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm. Do đó, để sử dụng thẻ học nghề sau khi xuất ngũ, thanh niên cần xác định được nghề sẽ học và đăng ký với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, Sở Lao động, thương binh và xã hội sẽ ghi nhận đối với nội dung này để tiếp tục có đề xuất, kiến nghị.
Về ý kiến đề xuất mở rộng trình độ đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ, bà Hiền cho rằng theo quy định hiện nay chưa có chính sách miễn phí đào tạo nghề hệ trung cấp, cao đẳng cho bộ đội xuất ngũ. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành phố đang kiến nghị tiếp tục cấp thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ theo quy định như hiện nay nhưng tùy vào điều kiện, khả năng của mỗi thanh niên sẽ đăng ký mức học và đóng thêm phần chênh lệch.
Chia sẻ với thanh niên xuất ngũ về vấn đề học nghề tại buổi đối thoại, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, thanh niên không có nghề không thể có tương lai tốt. Do đó, bằng mọi giá thanh niên phải học nghề, ít nhất là học trung cấp, tốt hơn thì cao đẳng. Sau khi học nghề, cơ hội việc làm không thiếu. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đang tìm lao động có tay nghề. Chưa kể tới đây, sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ cần khoảng 15 ngàn lao động, nhiều dự án khác cũng đòi hỏi lao động qua đào tạo.
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy khuyên thanh niên sau khi HTNVQS trở về hãy dành 3-4 năm học nghề, để nâng cao giá trị của bản thân trong xã hội. Đối với những thanh niên đã có nghề hãy mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp bằng những việc đúng pháp luật, có ích cho xã hội…
Bảo đảm quyền lợi cho thanh niên xuất ngũ
Bên cạnh vấn đề học nghề, việc làm, một số thanh niên HTNVQS còn phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách.
Đại diện thanh niên xuất ngũ trao đổi ý kiến tại buổi đối thoại. |
Anh Bùi Hoàng Thiện, ở phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, phản ánh tháng 3-2021, anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Trước đó, cha mẹ anh đã tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Khi anh nhập ngũ, cha mẹ anh được cơ quan Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cấp thẻ bảo hiểm y tế thời gian 2 năm tương đương thời gian anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi HTNVQS trở về địa phương thì thẻ bảo hiểm y tế của cha mẹ anh cũng hết giá trị. Khi đi khám sức khỏe, cha mẹ anh mang thẻ bảo hiểm y tế cũ đi khám thì bị yêu cầu phải mua lại thẻ bảo hiểm y tế từ đầu.
Giải đáp ý kiến này, ông Phạm Long Sơn, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho biết theo quy định, thời gian gián đoạn giữa 2 lần mua bảo hiểm y tế không quá 3 tháng. Do đó, khi thẻ bảo hiểm y tế của thân nhân chiến sĩ hết hạn sử dụng phải liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để được hướng dẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời cung cấp thông tin của thẻ bảo hiểm y tế do Bộ Quốc phòng cấp để cơ quan bảo hiểm xã hội ghi nhận tính liên tục để đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục.
Liên quan đến ý kiến đề xuất miễn sinh hoạt Đảng cho thanh niên đi làm ăn xa, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho rằng, đây là giải pháp cuối cùng nếu không kết nối được với Đảng. Nếu còn yêu Đảng, trái tim còn hướng về Đảng, còn tâm huyết với Đảng, với xã hội hãy giữ mạch nối với Đảng bằng mọi cách.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị HĐND tỉnh giám sát việc này để xem người đóng bảo hiểm có bị thiệt hại với cách tính hiện nay hay không nhằm đảm bảo quyền lợi cho người đóng bảo hiểm.
Anh Dương Hoàng Tuấn Anh, xã Bảo Vinh (thành phố Long Khánh), chia sẻ thanh niên xuất ngũ trở về địa phương hầu hết tham gia lực lượng dự bị động viên. Một số trường hợp quân nhân dự bị làm việc trong các doanh nghiệp khi nhận lệnh huy động huấn luyện của ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố đều được xem xét cho nghỉ việc để tham gia huấn luyện. Tuy nhiên, sau khi huấn luyện xong, một số công nhân bị công ty cho nghỉ việc dẫn đến mất việc làm. Anh Tuấn Anh đề xuất cơ quan chức năng xem xét và có giải pháp bảo vệ quyền lợi cho công nhân là quân nhân dự bị tham gia huấn luyện theo lệnh dự bị động viên.
Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã thông tin thêm về những quy định của Luật Dự bị động viên, mức xử phạt đối với hành vi không bố trí thời gian cho quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên và sẵn sàng chiến đấu; hành vi không tiếp nhận, bố trí lại công việc cho quân nhân dự bị khi kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện xong nhiệm vụ trở lại cơ quan, tổ chức cũ công tác…
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, chúng ta đang nỗ lực xây dựng lực lượng dự bị trong doanh nghiệp, thực hiện chính sách dự bị động viên trong xã hội. Tuy nhiên phải lưu ý đối với nhân sự nằm trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tránh xung đột lợi ích và hiệu quả của người lao động trong doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp hiểu, tạo điều kiện để những nhân sự này vừa được tham gia huấn luyện, vừa giữ được vị trí việc làm. Thời gian huấn luyện cần phải tính toán kỹ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của thanh niên xuất ngũ đang làm việc tại doanh nghiệp…
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin