Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 60 năm Hải quân chiến thắng trận đầu (ngày 2 và 5-8):
Trận đầu ra quân chiến thắng (bài 1)

Nguyệt Hà
08:32, 02/08/2024

60 năm trước, ngày 2 và 5-8-1964, ngay trong lần đầu ra quân chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi tàu khu trục Maddox của đế quốc Mỹ khỏi vùng biển nước ta. Sau đó, phía xâm lược đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, mở chiến dịch “trả đũa” mang tên “Mũi tên xuyên”. Với tinh thần quyết tâm bảo vệ và giữ vững chủ quyền vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, quân và dân ta, trực tiếp là lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam và Phòng không Không quân đã phối hợp đánh thắng trận đầu. Sự kiện tiêu biểu này đại diện cho ý chí quyết chiến, quyết thắng cùng bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và tiếp tục khẳng định tinh thần quyết tâm dám đánh, biết đánh và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược…

Hiện vật 4 máy bay của đế quốc Mỹ bị quân dân miền Bắc bắn rơi ngày 5-8-1964 được trưng bày tại Triển lãm Vân Hồ - Hà Nội. Ảnh: ĐVCC
Hiện vật 4 máy bay của đế quốc Mỹ bị quân dân miền Bắc bắn rơi ngày 5-8-1964 được trưng bày tại Triển lãm Vân Hồ - Hà Nội. Ảnh: ĐVCC

Bài 1: Ra quân thắng lợi

Theo các tài liệu lịch sử, thất bại trong Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), đế quốc Mỹ đứng trước sự lựa chọn hoặc bỏ cuộc ra về, hoặc tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với quyết tâm chia cắt lâu dài đất nước ta và nhằm cứu vãn sự thất bại không thể tránh khỏi của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh xâm lược miền Nam bằng “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và mở rộng đánh phá ra miền Bắc Việt Nam - nơi đế quốc Mỹ coi là “gốc rễ” của cách mạng miền Nam - để phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự giúp đỡ của các nước cho cách mạng Việt Nam và trực tiếp ngăn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Với tinh thần chủ động, nêu cao cảnh giác, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm đánh trả và làm nên thắng lợi trận đầu trong các ngày 2 và 5-8-1964.

Đại tá HOÀNG KIM NÔNG kể: “Trước đây, khi là Phó lữ đoàn trưởng về Chính trị Lữ đoàn 171, điều tôi quan tâm nhất chính là nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và giáo dục, rèn bản lĩnh kiên cường cho CBCS. Vì thực tế trong lúc hiểm nguy, chính chất lượng huấn luyện, bắn chính xác và bản lĩnh của CBCS đã quyết định để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, CBCS trưởng thành, được đào tạo bài bản, có bản lĩnh, quyết tâm cao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc đã minh chứng, thế hệ trẻ đã kế thừa xứng đáng truyền thống anh hùng, sự hy sinh của các thế hệ cha ông, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc từ hướng biển”.

Chủ trương đúng đắn

Theo Cục Chính trị Hải quân, tháng 2-1964, Tổng thống Mỹ Johnson đã thông qua “Chương trình thử nghiệm 4 tháng”. Thực chất đây là chương trình hoạt động phô trương sức mạnh và tìm cớ để gây chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Tháng 12-1963, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp bàn về một số vấn đề quốc tế và tình hình nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Hội nghị đã phân tích tình hình, so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiến lên làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Để chủ động bảo vệ miền Bắc và thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 9-1-1964, Bộ Tổng tham mưu tổ chức Hội nghị Phòng không nhân dân toàn miền Bắc lần thứ nhất, bàn các biện pháp đánh bại các cuộc tập kích của máy bay địch. Trong 2 ngày 27 và 28-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị chính trị đặc biệt được coi như “Hội nghị Diên Hồng” của dân tộc trong thời đại mới.

Tại hội nghị, Người đã chỉ rõ âm mưu, hành động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và khẳng định thất bại của Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ là không thể tránh khỏi. Người đã kêu gọi “mỗi người phải làm việc bằng hai để đền đáp lại đồng bào miền Nam ruột thịt”; đồng thời yêu cầu “Quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân phải luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự trị an, kiên quyết đập tan mọi hành động của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng”.

Cũng theo các tài liệu của Cục Chính trị Hải quân, trận đánh ngày 2 và 5-8-1964 là trận đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam ra quân chiến đấu trực tiếp với tàu chiến lớn và nhiều máy bay hiện đại của đế quốc Mỹ. Với số lượng tàu ít và nhỏ bé, còn nhiều hạn chế về tính năng kỹ thuật; lại trong tình huống chiến đấu hoàn toàn độc lập, không có lực lượng hỗ trợ nhưng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của ta đã anh dũng kiên cường tiến công tàu khu trục, đánh trả máy bay của địch; khẳng định ý chí dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân miền Bắc, của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược

Trực tiếp tham gia trận đánh ngày 5-8-1964, đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên Phó lữ đoàn trưởng về chính trị Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân, nguyên chiến sĩ Tàu 187 - một trong những đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân ngày nay, nhớ lại ngày 5-8-1964 là một ngày lịch sử không bao giờ quên trong ký ức của người lính già từng trực tiếp chiến đấu, băng bó vết thương cho đồng đội và chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh để quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, trời Tổ quốc.

Đại tá Hoàng Kim Nông kể lại, khoảng giữa trưa 5-8, lúc đó ông là chiến sĩ tiếp đạn trên Tàu 187, nhìn về hướng đất liền thấy có nhiều cột khói bay lên. Đồng thời, lệnh báo động chiến đấu được phát ra toàn tàu.

Đại tá Hoàng Kim Nông (giữa) kể chuyện chiến đấu ngày 5-8-1964 với cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân. Ảnh: N.Hà
Đại tá Hoàng Kim Nông (giữa) kể chuyện chiến đấu ngày 5-8-1964 với cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân. Ảnh: N.Hà

“Tất cả anh em trên tàu đều quyết tâm, bình tĩnh và bắn rất chính xác khiến nhiều máy bay của địch không dám lao đầu xuống, chúng ném bom, rồi cất cánh bỏ chạy. Qua vài lượt tấn công, đơn vị đã bắn cháy ngay một máy bay rơi cách tàu 1km, giống như một bó đuốc giữa biển” - đại tá Hoàng Kim Nông kể.

Giữa lúc đối đầu với bom đạn hiểm nguy của kẻ thù thì một tiếng nổ lớn khiến ông và nhiều đồng đội trên tàu ngất đi. Khi tỉnh dậy, toàn bộ khẩu đội pháo bị thương và hy sinh.

“Người tôi đầm đìa máu, sờ vào chân vẫn thấy cử động, tôi bước đi gặp đồng chí Hải bị thương nặng, tôi băng bó cho Hải; sau đó, tôi vòng ra phía sau tàu gặp anh Thiệp, một tay bắn, một tay giữ để máu trên trán không tuôn ra. Tôi tiếp tục nhiệm vụ tiếp đạn ở phía sau. Đồng chí thuyền phó xuống động viên chúng tôi bình tĩnh, ngay lập tức, một mảnh rocket phang đứt bụng thuyền phó, khiến anh ấy hy sinh tại chỗ” - đại tá Nông bùi ngùi kể lại.

Trầm ngâm trong câu chuyện khi kể lại với CBCS Vùng 2 Hải quân, đôi mắt người lính già hướng xa xăm ra biển tiếp tục kể, chỉ sau 2 tiếng quần thảo giữa tàu và 6 máy bay địch, không còn người lái tàu, ông phải trực tiếp lên lái tàu và đã đưa được tàu vào bờ.

Đại tá Nông bùi ngùi cho hay: “Trước khi diễn ra trận đối đầu ác liệt, 35 CBCS trên tàu còn ăn chung mâm cơm, nhưng sau 2 tiếng chiến đấu, cả tàu chỉ còn 5 thương binh, trong đó có tôi. Vào đến bờ, anh Hải - người tôi băng bó vết thương, nói với tôi: “Dựng tôi lên cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối!”, rồi anh nhắm mắt thanh thản ra đi”…

Nguyệt Hà

Bài 2: Bảo vệ vững chắc biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc

 

Tin xem nhiều