Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không thường kỳ khóa XI: Đồng chí Võ Tấn Đức được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy

Phương Hằng
18:30, 09/08/2024

(ĐN)- Chiều 9-8, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh không thường kỳ, khóa XI đã được diễn ra để thực hiện một số nội dung theo thẩm quyền. Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kết luận hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kết luận hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành

Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã thông qua Tờ trình số 62-TTr/TU ngày 1-8-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu cử chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với đồng chí Võ Tấn Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.

Tiếp đó, các đại biểu tiến hành bỏ phiếu kín bầu chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy. Kết quả, đồng chí Võ Tấn Đức được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tuyệt đối từ các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tham dự hội nghị.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy bỏ phiếu tại hội nghị. Ảnh Phương Hằng
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy bỏ phiếu tại hội nghị. Ảnh Phương Hằng

Đồng chí Võ Tấn Đức sinh năm 1970, quê huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trình độ chuyên môn, Thạc sĩ Quản lý xây dựng, Cử nhân Kế hoạch hóa Kinh tế quốc dân, Cử nhân Tài chính Kế toán, Cao cấp lý luận chính trị.

 Trước khi được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí từng trải qua các chức vụ: Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch; Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Thành và được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh vào cuối năm 2020.

Trước đó, ngày 2-8-2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Võ Tấn Đức.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Tờ trình số 75-TTr/TU ngày 5-8-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề xuất “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn điều hành thảo luận. Ảnh: Ngọc Thành

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà đã thông qua tờ trình. Trong tờ trình có nêu:

Trong dòng chảy lịch sử dân tộc, vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai được định hình và phát triển sớm ở Nam Bộ. Năm 1998, tỉnh Đồng Nai tổ chức kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển gắn với sự kiện năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, thành lập dinh Trấn Biên, xác định đơn vị hành chính đầu tiên ở vùng đất này. Cuối năm 2023, thành phố Biên Hòa tổ chức kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Cả 2 lần tổ chức kỷ niệm vẫn chưa xác định được ngày, tháng nào? Việc lựa chọn “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai” có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Đồng Nai; đồng thời, tri ân công lao của các bậc tiền nhân trong quá trình xây dựng và phát triển vùng đất Trấn Biên - Biên Hòa - Đồng Nai.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà, thông qua Tờ trình về Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thành
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà, thông qua Tờ trình về Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thành

Với ý nghĩa đó, Tỉnh ủy đã tổ chức hội thảo khoa học để xác định “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học về lịch sử đầu ngành của cả nước. Căn cứ kết quả hội thảo và các cứ liệu lịch sử trong sách Đại Nam thực lục (tập 1) có ghi: Mùa xuân, tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Nam Bộ, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay). Sách Đại Nam thực lục (tập 3) ghi: Nhâm Thìn, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), mùa Đông, tháng 10, ngày mồng 1... Nay chia đặt tỉnh hạt, thiết lập quan chức, có hai ty Bố chính, Án sát, chia giữ các việc tài chính, thuế khóa, hình luật, có Lãnh binh quan cai quản, quan võ và binh lính tất cả đều thuộc quyền Tổng đốc, Tuần phủ... Tỉnh Biên Hòa thống trị 1 phủ Phúc Long và 4 huyện Phúc Chính, Phúc An, Bình An, Long Thành;...

Do các cứ liệu lịch sử không ghi chép ngày Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vào vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, nên hội thảo khoa học và các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai kết hợp 2 sự kiện tháng 2 năm Mậu Dần (1698) Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và ngày 01 (ngày mồng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn 1832) thành lập tỉnh Biên Hòa thành ngày 01 tháng 02 năm Mậu Dần (1698) (tức ngày 12 tháng 3 năm 1698 dương lịch) đề xuất làm “Ngày truyền thống tỉnh Đồng Nai”.

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bùi Quang Huy thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bùi Quang Huy thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành

Tại hội nghị cũng tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và đề nghị thi hành kỷ luật đối với các đảng viên có khuyết điểm, vi phạm liên quan đến khu vực 72,08 ha đất thuộc phường Phước Tân; khu dân cư Bình Đa, thành phố Biên Hòa; đất tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất và Thông báo kết luận số 105-TB/TU ngày 23/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nêu rõ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bỏ phiếu thống nhất cao bầu Phó bí thư Tỉnh ủy. Kết quả hội nghị hôm nay, tỉnh sẽ báo cáo Ban Bí thư để chuẩn y kết quả bầu cử của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, giao cho HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp bầu chức danh Chủ tịch UBND tỉnh. 

Phương Hằng

Tin xem nhiều