Báo Đồng Nai điện tử
En

Định hướng trẻ cách bảo vệ bản thân

Nga Sơn
07:20, 07/08/2024

Không chỉ tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề liên quan đến trẻ em mà Diễn đàn Trẻ em còn là dịp để đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia tâm lý chia sẻ, định hướng giúp trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ mất an toàn.

Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung trao đổi tại Diễn đàn Trẻ em.
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung trao đổi tại Diễn đàn Trẻ em.

Tại Diễn đàn Trẻ em do UBND tỉnh tổ chức mới đây, xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường, bảo vệ trẻ trong môi trường mạng… là những nhóm vấn đề được đại diện trẻ em cũng như các sở, ngành, chuyên gia tâm lý đặc biệt quan tâm.

Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường

Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (ở huyện Long Thành) phản ánh, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh mâu thuẫn dẫn đến bạo lực học đường. Trong đó, nhiều vụ việc xuất phát từ sự ganh ghét, đố kỵ, thậm chí là nhìn thấy ghét nên đánh chứ không vì lý do gì cụ thể… Quỳnh Anh đề xuất các cơ quan chức năng và nhà trường tổ chức tập huấn phòng, chống bạo lực cho học sinh bằng những tình huống giả định vừa để tuyên truyền, vừa giúp học sinh có kỹ năng thoát khỏi bạo lực. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác đề xuất cần đẩy mạnh phong trào xây dựng tình bạn đẹp, phòng chống bạo lực học đường trong học sinh…

Tiến sĩ VŨ THIỆN TOÀN, chuyên gia tâm lý - kỹ năng đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên, các em thiếu nhi thay vì xem các trang mạng xã hội thì hãy dành thời gian học, đọc sách, tham gia hoạt động phong trào để xây dựng mối quan hệ tình bạn đẹp, cùng tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh cho rằng, để giảm thiểu những vấn đề xảy ra trong môi trường học đường, mỗi học sinh cần là người đầu tiên tránh xa những mâu thuẫn, bạo lực. Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện, mạnh dạn chia sẻ kịp thời những thông tin vụ việc với thầy, cô giáo. Nếu là vụ việc ngoài nhà trường, học sinh có thể tìm sự giúp đỡ của những người lớn xung quanh.

Đại diện trẻ em chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn Trẻ em do UBND tỉnh tổ chức mới đây
Đại diện trẻ em chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn Trẻ em do UBND tỉnh tổ chức mới đây. Ảnh:N.Sơn

Để xây dựng tình bạn đẹp, góp phần kéo giảm bạo lực học đường, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung gợi ý cho học sinh một số giải pháp. Theo anh Trung, các em cần biết cách tôn trọng sự khác biệt của bạn; tạo lòng tin của mình với bạn và ngược lại để hiểu bạn; xây dựng những hành động tích cực để từng bước đưa bạn tránh xa những cái xấu; sẵn sàng giúp đỡ bạn… Trong trường hợp đã làm nhiều việc nhưng không thay đổi được bạn thì tốt nhất các em nên chọn bạn mà chơi để tránh tình trạng bị bạn lôi kéo vào những việc không chính đáng.

Anh Võ Văn Trung chia sẻ thêm, mỗi năm ở liên đội đều tổ chức ít nhất 2 diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường. Trong diễn đàn đều có nội dung tập huấn, trang bị kỹ năng; đặc biệt là có thêm phiên tòa giả định về tình huống pháp luật. Tham gia hoạt động này sẽ giúp các em biết cách xây dựng tình bạn đẹp, hiểu được mức độ nguy hiểm của hành vi và mức xử phạt hành vi vi phạm…

Tự bảo vệ trên không gian mạng

Em Bùi Nguyễn Thủy Tiên (ở thành phố Long Khánh) chia sẻ, internet là một phần không thể thiếu trong kỷ nguyên công nghệ thông tin. Internet giúp mọi người, trong đó có trẻ em, kết nối, tìm kiếm thông tin và giải trí. Tuy nhiên, internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là đối với trẻ em. Cũng như Thủy Tiên, nhiều trẻ em bày tỏ mong muốn được đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.

Các em thiếu nhi tham gia Chương trình Em làm chiến sĩ công an được trải nghiệm các kỹ năng chữa cháy. Ảnh: N.Sơn
Các em thiếu nhi tham gia Chương trình Em làm chiến sĩ công an được trải nghiệm các kỹ năng chữa cháy. Ảnh: N.Sơn

Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Giang Thị Thu Nga cho hay, thời gian qua, các ngành chức năng đã rất quan tâm và triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng internet và mạng xã hội. Đồng thời, thiết lập nhiều trung tâm để xử lý và bảo vệ người dùng trên không gian mạng, trong đó có mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trên website này có hướng dẫn nhiều kỹ năng, quan trọng là có chức năng tiếp nhận phản ánh và báo cáo trực tuyến đối với hành vi vi phạm trên không gian mạng…

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng internet và mạng xã hội, các em thiếu nhi ghi nhớ 2 chữ “C”: cẩn thận và chia sẻ. Đồng thời, ghi nhớ 5 chữ “K”: không tin ngay, không vội ấn nút, không thêm thắt, không vội chia sẻ, không được kích động.

Bên cạnh đó, bà Giang Thị Thu Nga cũng định hướng giúp các em thiết lập “vùng xanh” để đối tượng xấu không xâm hại, đe dọa các em. Theo đó, các em tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, không kết bạn với người lạ trên không gian mạng. Đồng thời, sử dụng các phần mềm có bản quyền để bảo vệ các tài khoản của mình và không truy cập vào những đường link lạ...

Ngoài ra, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông cũng mong muốn các em thiếu nhi thực hiện tốt quy tắc ứng xử trên không gian mạng, không sử dụng những lời lẽ thô tục, nói xấu người khác, phân biệt đối xử…

Trung tá Nguyễn Doãn Bé, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh), chia sẻ trong trường hợp bị kẻ xấu đe dọa, ép buộc tham gia hành vi vi phạm pháp luật, các em phải bình tĩnh, lấy lý do nào đó để trì hoãn và nhanh chóng trao đổi với cha mẹ, thầy cô để được giúp đỡ; chụp lại những hình ảnh, thông tin của đối tượng cung cấp cho cơ quan công an có phương án bảo vệ các em.           

Nga Sơn

Tin xem nhiều