Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất mới về các trường hợp xem xét cho từ chức

Thảo Lâm
12:56, 19/08/2024

(ĐN) - Tại dự thảo mới nhất của Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định 06/2023 về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Bộ Nội vụ đã đề xuất 5 trường hợp xem xét từ chức với công chức làm lãnh đạo, quản lý.

Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa thành phố Biên Hòa đang giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thảo Lâm

Như vậy, so với bản dự thảo nghị định trước đó, dự thảo mới đã bỏ 2 trường hợp xem xét từ chức.

Theo dự thảo mới, việc xem xét từ chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong 5 trường hợp. Đó là: tự nguyện thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ sức khỏe, uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% nhưng không quá 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của cấp có thẩm quyền và vì các lý do chính đáng khác.

2 trường hợp xem xét từ chức đã bỏ so với trước đó bao gồm: trường hợp công chức lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm, cấp có thẩm quyền xem xét cho từ chức và trường hợp công chức lãnh đạo quản lý là người đứng đầu để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Theo Bộ Nội vụ, việc sửa đổi này là để phù hợp với Quy định số 41 của Bộ Chính trị Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Thảo Lâm

 

Tin xem nhiều