Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ

Trần Danh
08:32, 22/08/2024

Ngày 21-8, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy - UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Tọa đàm khoa học Đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tọa đàm đã nêu thực trạng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh ĐNB, đồng thời đề ra các giải pháp đảm bảo ANTT trên địa bàn các tỉnh, thành vùng ĐNB.

Trung tướng, PGS-TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử công an (Bộ Công an), phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: T.Danh
Trung tướng, PGS-TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử công an (Bộ Công an), phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: T.Danh

Trung tướng, PGS-TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử công an (Bộ Công an); Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Nhân và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đồng chủ trì buổi tọa đàm.

An ninh trật tự vùng Đông Nam Bộ còn phức tạp

Tại tọa đàm, Phó trưởng phòng 1, Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an), thượng tá Nguyễn Văn Thực cho biết, vùng ĐNB là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là khu vực kinh tế phát triển nhất ở Việt Nam. Theo quy hoạch, thời gian tới, khu vực này tập trung nhiều dự án kinh tế trọng điểm như: các tuyến đường cao tốc, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam... Những tiềm năng kinh tế to lớn đó cũng tiềm ẩn các loại tội phạm nói chung, tội phạm về kinh tế nói riêng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, C03 Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế các địa phương trong vùng đấu tranh, xử lý hơn 6 ngàn vụ, hơn 8,5 ngàn đối tượng phạm tội về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu... Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường cũng diễn ra phức tạp.

Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Tiến Đạt cho rằng, với đặc thù về địa lý, dân cư, kinh tế - xã hội, ngoài những điều kiện thuận lợi, thời cơ để phát triển, Đồng Nai cũng là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Đồng Nai được Bộ Công an xác định là một trong 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm xâm phạm trật tự xã hội và là một trong 10 địa bàn trọng điểm về tội phạm có tổ chức.

“Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là các băng, ổ, nhóm hoạt động “tín dụng đen”, dùng vũ lực lấn chiếm đất đai, từ đó kéo theo một số loại tội phạm hình sự liên quan như: bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản; tình hình sử dụng trái phép các chất ma túy cũng diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân” - đại tá Trần Tiến Đạt cho hay.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Qua các nội dung trao đổi tại tọa đàm sẽ giúp ích rất nhiều cho cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành của các tỉnh, thành vùng ĐNB trong công tác lãnh đạo, điều hành; giúp lực lượng công an có thêm những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng lực lượng, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành vùng ĐNB.

Phát huy sức mạnh nhân dân vào công tác giữ gìn an ninh trật tự

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS, trung tướng Trần Vi Dân cho rằng, về trật tự an toàn xã hội, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng, trong đó có một số vụ án giết người rất dã man. Chính vì vậy, cần phải có sự phòng ngừa xã hội. Muốn có được sự phòng ngừa này, vai trò của các tổ chức đoàn thể, MTTQ rất quan trọng. Vì vậy, các cơ quan, đoàn thể, MTTQ các địa phương cần phải phát huy vai trò, trên cơ sở đó vận động quần chúng nhân dân, các đoàn thể cùng vào cuộc để góp sức vào công tác giữ gìn ANTT.

“Một khi đã tạo được sự đồng thuận của người dân, vận động, phát huy được vai trò của người dân cùng tham gia vào công tác giữ gìn ANTT thì mọi việc sẽ thành công” - trung tướng Trần Vi Dân nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Đặt vấn đề về việc phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, đại tá Vũ Văn Điền cho rằng, các lực lượng chức năng cần phải chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải đẩy mạnh công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân với phương châm: hướng về cơ sở, gần dân, trọng dân. Phối hợp triển khai đồng bộ hệ thống pháp luật, các chiến lược, đề án về quân sự, quốc phòng, an ninh, nhất là cơ chế chính sách về động viên quốc phòng, an ninh” - đại tá Vũ Văn Điền cho biết.

Theo Công an tỉnh, thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nên tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn được kéo giảm mạnh so với giai đoạn từ năm 2021 trở về trước. Cụ thể, năm 2021 giảm 18,12% số vụ so với năm 2020; năm 2022 giảm 9,17% số vụ so với năm 2021; năm 2023 giảm 36,51% số vụ so với năm 2022; 6 tháng đầu năm 2024 giảm 26,3% số vụ so với cùng kỳ năm 2023. 

Để thực hiện tốt các vấn đề nói trên, theo đại tá Vũ Văn Điền, các lực lượng chức năng phải luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về giải pháp cho công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh và cả khu vực ĐNB, đại tá Trần Tiến Đạt cho rằng, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác đảm bảo ANTT và xây dựng lực lượng. Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh sẽ chủ động nắm chắc, đánh giá và dự báo sát tình hình để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp kịp thời giữ vững thế chủ động đảm bảo ANTT. Trong đó, lực lượng công an chú trọng phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong tham mưu, phục vụ cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ cơ sở.

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an tỉnh tập trung rà soát, lên danh sách theo dõi quản lý các nhóm thanh thiếu niên, côn đồ hung hãn, các băng, nhóm tội phạm để áp dụng các biện pháp đấu tranh phù hợp. Trong hoạt động nghiệp vụ, lực lượng công an tổ chức công tác tuần tra kiểm soát vũ trang trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để thị uy, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trấn áp tội phạm.

Theo đại tá Trần Tiến Đạt, lực lượng công an phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm và hiện đại hóa lực lượng, phương tiện... mới có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình hiện nay.

Trần Danh

Tin xem nhiều