Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào mừng Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ X:
Nỗ lực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Sông Thao
08:12, 13/08/2024

MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai không chỉ có 936 ban công tác Mặt trận ấp, khu phố, 170 ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã cùng 11 ủy ban MTTQ cấp huyện, mà còn bao gồm 27 tổ chức thành viên. Cùng với đó, cơ cấu thành phần tham gia ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của tỉnh có đầy đủ đại diện thành phần tôn giáo, dân tộc, đại diện tổ chức chính trị - xã hội.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (thứ 2 từ phải qua) trao đổi cùng đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh. Ảnh: S.Thao
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang (thứ 2 từ phải qua) trao đổi cùng đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh. Ảnh: S.Thao

Điều này phản ánh được vai trò của Mặt trận trong tập hợp các tầng lớp nhân dân xây dựng cầu nối đoàn kết, thống nhất để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.

Thu hút các giới vào Mặt trận

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, thông qua tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, Mặt trận các cấp đã kết nối gần 6,3 ngàn cá nhân tham gia làm ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã. Trong số này, có 371 người dân tộc thiểu số, gần 1,32 ngàn người có đạo và số lượng còn lại là các chuyên gia, đội ngũ trí thức và đại diện các tổ chức hội, đoàn thể.

Linh mục Trần Xuân Thảo, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, cho biết chức sắc, chức việc Công giáo tham gia làm ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tại Đồng Nai đã phát huy được vai trò cầu nối giữa Mặt trận với tín đồ nhằm tập hợp quần chúng chung tay thực hiện các phong trào thi đua xây dựng khu dân cư do Mặt trận chủ trì. Nhiều phong trào, mô hình an sinh xã hội đã được hình thành trong khu dân cư tập trung đông đồng bào Công giáo, từ đó góp phần vào thành tựu chung của tỉnh.

Từ năm 2019-2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh liên tục được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc. Riêng từ năm 2019-2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Còn thượng tọa Thích Huệ Khai, Ủy viên thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, cho rằng các chức sắc Phật giáo tham gia làm ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện, xã là kênh tiếp nhận thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước để kịp thời cung cấp cho chức sắc, tín đồ tôn giáo. Thông qua vai trò này, các chức sắc Phật giáo còn kịp thời phản ánh, đề xuất nguyện vọng của chức sắc, tín đồ Phật giáo đến cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, 203 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng tích cực tham gia công tác Mặt trận. Ông Đô Hô Sên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, đồng thời là Giáo cả thánh đường Hồi giáo Bình Sơn (huyện Long Thành), cho hay ông có nhiều nhiệm kỳ làm ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Trong vai trò của mình, ông ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của bà con để truyền đạt đến cơ quan chức năng và phản hồi lại thông tin đến bà con.

Thời gian qua, bà con dân tộc Chăm theo đạo Hồi tại xã Bình Sơn rất mong ngóng thánh đường được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo. Từ nguyện vọng này, Ban Tôn giáo tỉnh cùng chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện những thủ tục liên quan và vừa qua thánh đường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các cá nhân, tập thể tại Hội nghị Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2003-2023. Ảnh: SÔNG THAO
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho các cá nhân, tập thể tại Hội nghị Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2003-2023. Ảnh: SÔNG THAO

Riêng đội ngũ trí thức, chuyên gia các ngành là lực lượng nòng cốt trong thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp.

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn, ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chia sẻ Văn miếu Trấn Biên, Vườn tượng danh nhân Văn miếu Trấn Biên những năm trước đây là điểm đến tham quan thu hút rất đông du khách. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, 2 địa điểm này xuống cấp, từ đó làm mất đi giá trị, mục đích quảng bá, giáo dục văn hóa lịch sử của di tích. Trong vai trò người làm văn hóa, ông đã đề xuất Mặt trận cần phát huy vai trò giám sát, phản biện đối với những vấn đề này.

Xây dựng các chương trình kết nối cộng đồng

Thông qua những hạt nhân của cộng đồng tham gia ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, hệ thống Mặt trận trong tỉnh đã kết nối đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Nhiệm kỳ vừa qua, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên chủ trì thực hiện công tác an sinh xã hội đạt 3,9 ngàn tỷ đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mánh (ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) là hộ cận nghèo ở địa phương. Bản thân bà hay đau yếu nên cuộc sống phụ thuộc vào gia đình con. Mới đây, cả nhà bà Mánh được vào sống trong căn nhà kiên cố do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng từ nguồn vận động. Cả nhà rất vui vì nhờ Mặt trận các cấp mà gia đình đã có nơi ở tốt hơn so với nhà vách tôn trước kia.

MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện chương trình phối hợp hành động với các tôn giáo. Cụ thể, mỗi năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh đều ký kết phối hợp thống nhất hành động. Qua đó, các bên phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động về bảo vệ môi trường; tham gia các phong trào do Mặt trận phát động liên quan đến đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp nhân đạo…

Đồng thời, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng 12 đơn vị ký kết chương trình phối hợp thống nhất hành động.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện cho hay, qua thời gian ký kết chương trình phối hợp thống nhất hành động với Mặt trận tỉnh, hai bên đã hỗ trợ kết nối các tấm lòng hảo tâm chung tay đóng góp để giúp đỡ người nghèo và các trường hợp hoàn cảnh khó khăn khác. Đồng thời, quá trình phân phối nguồn lực được đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng.

Hay thông qua Phong trào Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, người dân đã tích cực tham gia vào phong trào bảo vệ môi trường do MTTQ các cấp phát động. Mặt trận hiện đóng vai trò chủ trì trong thực hiện 65 mô hình giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư, xây dựng ấp - khu phố sáng - xanh - sạch - đẹp.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2019-2024, Đồng Nai cũng như cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thông qua tuyên truyền, vận động của Mặt trận các cấp, đã có gần 1,1 ngàn tỷ đồng (tiền và hàng hóa) được Mặt trận các cấp tiếp nhận từ các tầng lớp nhân dân để cùng với nguồn lực Nhà nước thực hiện các chương trình an sinh hỗ trợ 2,21 triệu lượt hộ dân. Đồng thời, có 653 tình nguyện viên là các vị chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ tôn giáo tham gia tuyến đầu chống dịch.

Văn Truyên


Ông Phạm Đình Ban, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thống Nhất:

Linh hoạt trong giám sát và phản biện

 

Đáng phấn khởi là số lượng và chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội (PBXH) trên địa bàn nhiệm kỳ qua tăng hơn so với các nhiệm kỳ trước. Nội dung giám sát, phản biện gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề sát sườn với quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và được nhân dân, dư luận quan tâm.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng của các hoạt động giám sát, PBXH, trong tổ chức thực hiện phải linh hoạt, quan tâm đến những vấn đề lớn nảy sinh, không cứng nhắc chỉ làm theo kế hoạch; xác định, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cùng với đó, trước khi tiến hành hoạt động giám sát, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Đối với các nội dung phức tạp, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau cần tiến hành khảo sát để có thêm cơ sở phản biện.

Bà Nguyễn Thị Kiều Lan, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Thành:

Nắm bắt tâm tư, ổn định tư tưởng cho nhân dân

 

Trong quá trình tổ chức thực hiện giám sát, Ủy ban MTTQ huyện luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với Thường trực HĐND, các ban của HĐND và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau mỗi đợt giám sát đều tổ chức cuộc họp hoặc gửi văn bản để thống nhất các nội dung kết luận qua giám sát, trong đó chỉ rõ kết quả, tồn tại, nguyên nhân, kiến nghị những biện pháp khắc phục. Những kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan đồng tình tiếp thu, khắc phục kịp thời những sai sót trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành.

 Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện luôn nỗ lực thực hiện tốt vai trò chủ trì xây dựng kế hoạch PBXH, phát huy vai trò của các ban tư vấn, các ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện nhằm giúp cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi hiệu quả hơn các chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là các chính sách liên quan đến Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Qua đó, nhằm góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:

Tập trung giám sát vấn đề người dân quan tâm

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi cùng các ủy viên khác tham gia vào hoạt động phản biện dự thảo văn bản của các ngành, giám sát các báo cáo sơ kết, tổng kết nhằm đưa ra những ý kiến chuyên môn liên quan đến từng lĩnh vực. Trong thời gian tới, ngoài các dự thảo văn bản, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, PBXH đối các các vấn đề xảy ra trong cuộc sống được người dân quan tâm.


 

Tin xem nhiều