Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng cầu nối đoàn kết

Ngọc Xuân - Sông Thao
08:24, 22/07/2024

Đến thời điểm này, ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố đã hoàn thành đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam 2 cấp.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang chúc mừng các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Xuân Lộc được hiệp thương tại Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam huyện nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: S.Thao
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang chúc mừng các Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Xuân Lộc được hiệp thương tại Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam huyện nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: S.Thao

Thông qua tổ chức đại hội, nhân sự Mặt trận các cấp đã được kiện toàn với sự tham gia của đại diện các thành phần trong xã hội. Đồng thời, mỗi địa phương đề ra nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận trong 5 năm tới gắn với nhiệm vụ chung của địa phương.

Tập hợp quần chúng vào ngôi nhà đoàn kết

Đồng Nai có hơn 3,2 triệu dân, là nơi sinh sống của 50 thành phần dân tộc thiểu số. 14 tổ chức tôn giáo lớn được cấp phép hoạt động tại Việt Nam đều có đại diện, tín đồ tại Đồng Nai.

Trong danh sách nhân sự của 170 ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn và 11 Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, thành phố, đều có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đại diện các giới, tổ chức tôn giáo, thành phần dân tộc.

Cụ thể, mỗi ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đều có đại diện là chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo. Ngoài ra, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người tiêu biểu trong đồng bào cũng tham gia là ủy viên ủy ban MTTQ các cấp.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, tổng số ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn sau đại hội là 5.735 vị. Trong số này, có 320 người dân tộc thiểu số, cùng gần 1,2 ngàn người có đạo. Còn tổng số ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố là 648 người. Trong đó, ủy viên là người dân tộc thiểu số có 51 người và ủy viên là người có đạo là 121 người.

Thông qua tổ chức đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp, xã có nhiều ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam nhất với 41 vị/xã, gồm: Thanh Bình (huyện Trảng Bom), Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) và phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa). Riêng xã có ít ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam nhất là Bình An (huyện Long Thành) với 29 vị.

Già làng Hùng Văn Xứng (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) cho hay, nhiều khóa liên tiếp ông đảm nhận vai trò ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam xã, huyện. Đồng thời, ông tham gia đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp với tư cách đại biểu chính thức đại diện cho đồng bào dân tộc Chơro ở địa phương. Thông qua vai trò của mình, ông cung cấp thông tin về cộng đồng, rồi đại diện đồng bào thể hiện tấm lòng cùng sự tin tưởng của bà con đối với Đảng, Nhà nước. Thông qua ông, bà con cũng gửi kỳ vọng đến đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp và thay mặt bà con biểu quyết các vấn đề, nội dung của đại hội.

Còn thượng tọa Thích Minh Trí, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Biên Hòa, cho biết tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024-2029), ông là 1 trong 65 cá nhân được hiệp thương cử tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Đây đã là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp ông tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.

Theo thượng tọa Thích Minh Trí, thành phố Biên Hòa là địa bàn có nhiều cơ sở tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Thông qua vai trò bản thân đảm nhận, thời gian qua, ông cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố đã vận động chức sắc, tín đồ Phật giáo chấp hành quy định của pháp luật, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận các cấp phát động và điều này sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trong thời gian tới.

Ngoài ra, một lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội là những cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng, đội ngũ chuyên gia các ngành, lĩnh vực và đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức hội đoàn thể cũng được vận động, kêu gọi tham gia vào ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Ở nhiệm kỳ 2024-2029, có 4,2 ngàn người thuộc nhóm này tham gia ủy viên ở cấp xã và cấp huyện là 476 người.

Đóng góp vào mục tiêu chung

Ngoài công tác nhân sự, thông qua đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029, ủy ban MTTQ Việt Nam 2 cấp trong tỉnh đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong 5 tới và giải pháp cụ thể cho từng nội dung đề ra.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang, tuy mỗi ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp xác định nội dung trọng tâm khác nhau song có điểm chung là những nhiệm vụ này không tách rời với những điều mà địa phương đang thực hiện.

Bà Thiều Thị Minh Hường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Biên Hòa, cho hay toàn tỉnh có 170 Mặt trận cấp xã và 934 ban công tác Mặt trận ấp, khu phố. Trong số này, thành phố Biên Hòa chiếm đến 30 đơn vị Mặt trận cấp xã cùng 200 ban công tác Mặt trận ấp, khu phố.

Đại diện các giới, các thành phần tôn giáo và dân tộc tại thành phố Biên Hòa tham gia Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Biên Hòa nhiệm kỳ 2024-2029.
Đại diện các giới, các thành phần tôn giáo và dân tộc tại thành phố Biên Hòa tham gia Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Biên Hòa nhiệm kỳ 2024-2029.

Thông qua sự thống nhất của đại hội, Mặt trận thành phố xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới, gồm: tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tiếp tục xây dựng, tập hợp để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để MTTQ Việt Nam là đại biểu cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy tinh thần tự quản của nhân dân trong xây dựng khu dân cư.

Theo ông Đào Xuân Hồng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Trảng Bom, 65% trong tổng số 371 ngàn người của huyện là đồng bào có đạo. Huyện là nơi sinh sống 22 dân tộc thiểu số với hơn 34 ngàn người. Địa phương có đến 96 cơ sở tôn giáo. Đồng thời, lượng người từ các nơi đến sinh sống làm việc tại các khu công nghiệp của huyện là rất lớn. Từ đó, Mặt trận huyện xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2024-2029, gồm: tuyên truyền, vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để MTTQ Việt Nam thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy tinh thần tự quản của nhân dân trong xây dựng khu dân cư đồng thuận đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Đối với huyện Xuân Lộc, theo bà Lê Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đại hội đã thống nhất chọn nội dung: xây dựng khu dân cư ấm no, hạnh phúc là mục tiêu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ của công tác Mặt trận nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam huyện tập trung nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội từ những vấn đề nhân dân quan tâm nhằm đảm bảo quyền lợi của nhân dân; tiếp tục xây dựng, tập hợp để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân…

Ngọc Xuân - Sông Thao

 

Tin xem nhiều