Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiếp tục giữ vững ổn định và có nhiều lĩnh vực phát triển khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được chăm lo tốt hơn.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại Hội nghị Trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I-2024. Ảnh: P.Tùng |
Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ gồm 7 địa phương: Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đồng Nai và Tây Ninh. Năm 2024, Bình Thuận là cụm trưởng; Đồng Nai là cụm phó.
Nhiều lĩnh vực phát triển khởi sắc
Theo Cụm thi đua Đông Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh trong cụm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các mặt; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương trong cụm tăng bình quân 7,57%, trong đó: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 9,18%, tỉnh Ninh Thuận tăng 8,07%, tỉnh Tây Ninh tăng 7,9%, tỉnh Bình Phước tăng 7,76%, tỉnh Bình Thuận tăng 7,1%, tỉnh Đồng Nai tăng 6,8%, tỉnh Bình Dương tăng 6,19%.
Thị trường xuất khẩu hồi phục và tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh trong cụm đạt 33,8 tỷ USD, nổi bật như: tỉnh Bình Dương đạt gần 16,3 tỷ USD; tỉnh Đồng Nai đạt 11,3 tỷ USD… Thu ngân sách, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài của các tỉnh trong cụm có khởi sắc.
Tại Hội nghị Trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I-2024 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh, các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ có sự gắn kết chặt chẽ về không gian địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa. Mối quan hệ giữa các tỉnh, thành phố ngày càng mở rộng về các mặt kinh tế - xã hội. Vấn đề liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng trở nên quan trọng. Đồng Nai luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt một số kết quả quan trọng. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; công tác chăm lo cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục được các tỉnh quan tâm triển khai kịp thời, chu đáo; chỉ đạo giải quyết tốt các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chung toàn tỉnh ở các tỉnh đạt cao.
Song song đó, cải cách hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng.
Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua tại địa phương mình, các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực.
Điển hình như trong tháng 7 vừa qua, Bình Thuận đã đăng cai tổ chức Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam Bộ lần thứ XIII.
Các tỉnh Đông Nam Bộ tham gia Ngày hội Gia đình các tỉnh Đông Nam Bộ lần thứ XIII. Ảnh: CTV |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh nhấn mạnh, chuỗi hoạt động sôi nổi của ngày hội là dịp để Sở Văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ và các gia đình tham gia ngày hội giao lưu, học hỏi, trau dồi được những kinh nghiệm thiết thực trong công việc và trong cuộc sống. Qua đó tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam nói chung và gia đình khu vực Đông Nam Bộ nói riêng.
Hay tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức Hội nghị Trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4, quý I-2024. Tại hội nghị, các địa phương đã cùng nhau thảo luận các giải pháp phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trên lĩnh vực y tế… Qua đó, tạo động lực cho từng địa phương cũng như toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong 2 ngày 29 và 30-7, tại Đồng Nai, Cụm thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện giao ước thi đua 6 tháng đầu năm 2024. Hội nghị sẽ thông qua dự thảo báo cáo kết quả thực hiện giao ước thi đua 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của cụm; thảo luận, thông qua dự thảo Quy định về tổ chức hoạt động và bình xét thi đua các tỉnh miền Đông Nam Bộ năm 2024; trao đổi nghiệp về công tác thi đua, khen thưởng...
Nhiều cách làm mới, mô hình hay
Để có được những kết quả nổi bật nói trên, các địa phương đã đẩy mạnh tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước (TĐYN). Đặc biệt, một số địa phương đã ban hành, phát động các phong trào thi đua (PTTĐ) chuyên đề mới. Cũng từ đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm hay.
Điển hình như tỉnh Bình Thuận phát động 2 PTTĐ mới là: Xây dựng người phụ nữ Bình Thuận thời đại mới giai đoạn 2024-2027; Tuổi cao gương sáng. Tỉnh Bình Phước phát động các PTTĐ: Thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, công tác chuyển hóa địa bàn năm 2024; Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2024. Đồng Nai phát động PTTĐ đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, cất cánh cùng Sân bay Long Thành. Ninh Thuận phát động PTTĐ Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2024…
Cùng với đó, các tỉnh cũng tích cực triển khai thực hiện các PTTĐ do Thủ tướng Chính phủ phát động và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đơn cử như trong PTTĐ Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Đồng Nai đã có 120/120 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 106 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 11/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó một huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 37/47 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 8/47 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 6/8 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh miền Đông Nam Bộ tăng bình quân 5,57%. Trong ảnh: Công nhân kiểm tra sợi. Ảnh: Nguyễn Cao Dũng |
Trong khi đó, PTTĐ Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau được các tỉnh hưởng ứng tích cực, triển khai với nhiều hoạt động thiết thực. Điển hình như tỉnh Bình Dương đã phát huy hiệu quả các mô hình: Chợ 0 đồng, Hồ sơ nhân ái; Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo; Tương trợ vốn không tính lãi. Tỉnh Bình Phước chỉ đạo vận động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội, tạo sinh kế lâu dài cho nhân dân; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo; bảo đảm vốn vay ưu đãi cho 100% hộ nghèo, cận nghèo…
Công tác phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến luôn được chú trọng. Đơn cử như: tỉnh Tây Ninh chỉ đạo tổ chức Cuộc thi viết Gương người tốt quanh ta lần thứ 2, giai đoạn 2023-2024; tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo mở chuyên mục Giải đáp về công tác thi đua, khen thưởng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng theo yêu cầu của bạn đọc...
Công tác khen thưởng được các tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, kịp thời, bảo đảm nguyên tắc theo quy định. Đơn cử như tại Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho hay, công tác khen thưởng được đổi mới, đảm bảo chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp...
Hồ Thảo
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin