Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh niên Việt - Lào thắm tình đoàn kết

Nguyễn Tuyết
07:21, 08/07/2024

Thanh niên, sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào đang học tập trên địa bàn tỉnh cùng dâng hương, tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử; tham gia các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ, được nghe nói chuyện về mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Lào…

Sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào cùng tham quan triển lãm ảnh về hoạt động hữu nghị Việt Nam - Lào.
Sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào cùng tham quan triển lãm ảnh về hoạt động hữu nghị Việt Nam - Lào. Ảnh:Nga Sơn

Đây là những hoạt động vừa diễn ra tại Ngày hội Giao lưu do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh và UBND huyện Vĩnh Cửu phối hợp tổ chức.

Giúp thanh niên hiểu về lịch sử

Dậy sớm, trải qua một chặng đường dài di chuyển đến Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Vĩnh Cửu), đoàn đại biểu thanh niên, sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều cảm thấy xứng đáng.

Sau khi dâng hương tại nhà bia thuộc Di tích Căn cứ Trung ương cục miền Nam, đoàn đại biểu đã di chuyển đến đền thờ, tượng đài và Nghĩa trang liệt sĩ Mã Đà. Tại đây, thanh niên Việt Nam - Lào đã được nghe thuyết minh về Căn cứ Trung ương cục miền Nam trong những năm kháng chiến, những mẩu chuyện về anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và nằm lại trên mảnh đất Chiến khu Đ anh hùng.

Bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN MINH KIÊN cho rằng, công tác quốc tế thanh niên đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, Hội Sinh viên tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo cả về vật chất, tinh thần cho du học sinh Lào, Campuchia.

Chị Phạm Thị Lan Anh, Khoa Dược, Trường đại học Công nghệ Miền Đông (huyện Thống Nhất), bày tỏ chị may mắn khi là một trong những sinh viên được tham gia ngày hội, được đến tìm hiểu về vùng đất “lửa” Chiến khu Đ. Qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, chị biết đây vùng đất linh thiêng, nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Trong số các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, có những người may mắn được đưa về với gia đình. Còn những người không may mắn thì nằm lại vĩnh viễn giữa đại ngàn Chiến khu Đ.

“Tôi cảm thấy biết ơn thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương của mình để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, đem lại cho chúng tôi cuộc sống hòa bình. Thế hệ trẻ chúng tôi phải có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn thành quả đó” - Lan Anh bộc bạch.

Học tiếng Việt mới được 7 tháng nhưng chị Keochampa Bounmy, du học sinh đang học tập tại Trường đại học Đồng Nai, đã có thể nghe, hiểu rõ nội dung thuyết minh. Bounmy chia sẻ: “Qua thuyết minh tôi hiểu được phần nào lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Đáng trân quý, Việt Nam không chỉ đấu tranh để giành lại độc lập, tự do cho đất nước mình mà còn đấu tranh giúp đỡ Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước”.

Lào và Việt Nam là 2 nước láng giềng, có chung biên giới. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam và Lào luôn kề vai sát cánh, cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, hỗ trợ nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thế hệ trẻ Việt Nam - Lào hiểu thêm về mối quan hệ truyền thống, thủy chung, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo 2 Đảng, Nhà nước dày công vun đắp, tại ngày hội, thanh niên Việt Nam - Lào đã được nghe Tổng lãnh sự nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Thành phố Hồ Chí Minh Phonesy Bounmixay chia sẻ chuyên đề mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam - Lào trong quá khứ và hiện tại.

Giao lưu và gắn kết

Không chỉ có cơ hội hiểu thêm về lịch sử và mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 quốc gia, thanh niên, sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào tham gia ngày hội còn có cơ hội giao lưu thông qua các trò chơi dân gian để xích lại gần nhau hơn.

Thanh niên, sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào chia sẻ số điện thoại, Zalo để liên hệ sau chương trình giao lưu.
Thanh niên, sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào chia sẻ số điện thoại, Zalo để liên hệ sau chương trình giao lưu. Ảnh:Nga Sơn

Du học sinh Lào Thongchalern Souphathai (đang học tiếng Việt tại Trường đại học Đồng Nai) cho hay, chị sang Việt Nam được hơn 8 tháng. Từ khi đặt chân đến Đồng Nai, chị đã cảm thấy được sự thân thiện, dễ gần của các bạn trẻ cũng như người dân Đồng Nai. Điều này giúp chị nhanh chóng hòa nhập và tiến bộ nhanh trong quá trình học tiếng Việt. Bên cạnh đó, mặc dù mới đến Đồng Nai 8 tháng nhưng Souphathai có cơ hội tham gia một số hoạt động giao lưu. Mới đây nhất là chương trình họp mặt Tết cổ truyền Bunpimay (Lào) và Chol Chnam Thmay (Campuchia) năm 2024 dành cho sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại tỉnh Đồng Nai và Ngày hội Văn hóa Việt Nam - Lào - Campuchia.

Tại Ngày hội Giao lưu giữa sinh viên, thanh niên tỉnh Đồng Nai và sinh viên Lào đang theo học tại Đồng Nai lần này, chị không chỉ được giao lưu với sinh viên mà còn được giao lưu với thanh niên huyện Vĩnh Cửu. Tại đây, chị Souphathai được thanh niên, sinh viên Đồng Nai hướng dẫn cách chơi ném còn, bịt mắt đập heo đất…

Bên cạnh các trò chơi dân gian, ngày hội còn có hoạt động giao lưu văn nghệ. Đây là cơ hội để thanh niên, sinh viên Đồng Nai và sinh viên Lào trình diễn những tiết mục văn nghệ, điệu múa truyền thống của đất nước mình. Anh Sú Vĩnh Thiên, học sinh lớp 11A3, Trường trung học phổ thông Trị An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết với sự phát triển của internet và mạng xã hội như hiện nay, việc tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của nước bạn Lào không khó nhưng việc được gặp trực tiếp và xem sinh viên Lào biểu diễn điệu múa truyền thống anh thấy chân thật và thú vị hơn. Anh hy vọng sẽ có nhiều chương trình giao lưu giữa thanh niên, sinh viên Đồng Nai với Lào, Campuchia và các quốc gia để tăng sự hiểu biết và gắn kết.

Nguyễn Tuyết

Tin xem nhiều