Tuy chỉ chiếm 10% dân số toàn huyện (37,7 ngàn người) và là địa phương tập trung không nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) so với các huyện, thành phố khác của tỉnh, song hoạt động của đồng bào DTTS tại huyện Trảng Bom rất sôi động.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (giữa) trò chuyện cùng đồng bào các dân tộc thiểu số khi đến tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Ảnh: S.Thao |
Điều này được thể hiện qua việc đồng bào DTTS tại đây tham gia rất tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, góp phần phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong sự phát triển của địa phương.
Chủ động tham gia giải quyết những vấn đề xã hội
Một trong những đóng góp nổi bật của đồng bào các DTTS tại huyện Trảng Bom là tham gia rất tích cực vào giải quyết các vấn đề xã hội. Đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động này là những người có uy tín trong đồng bào DTTS và cán bộ, đảng viên là người DTTS.
Cụ thể, toàn huyện có 131 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia công tác tại các cơ quan, ban ngành, trường học; 189 đảng viên là người DTTS; 29 đồng bào DTTS là đại biểu HĐND cấp huyện, xã; 53 người DTTS là thành viên của 71 tổ dân vận ấp - khu phố.
Ngày 9-7, UBND huyện Trảng Bom tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV-2024. Trong chương trình, 150 đại biểu chính thức sẽ thống nhất thông qua danh sách cử đoàn đại biểu huyện đi dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đồng Nai lần thứ IV-2024, thông qua quyết tâm thư của đại hội... |
Ông Sỳ Văn Hưng, người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Thanh Bình, cho hay ấp Tân Thành nơi ông sinh sống có 856 hộ dân, 70% trong số này là đồng bào DTTS như: Nùng, Tày, Hán, Thổ, Dao, Khmer… Nhiều dân tộc khác nhau thì phong tục tập quán trong sinh hoạt, cách thức canh tác cũng khác nhau nhưng tất cả đều muốn được sống trong khu dân cư trong lành, an ninh trật tự được đảm bảo và không ai muốn mình vi phạm pháp luật.
Từ thực tế đó, trong vai trò người có uy tín và là đảng viên, ông động viên cộng đồng DTTS cố gắng lao động để xây dựng cuộc sống gia đình và đóng góp cho địa phương. Trong các buổi tuyên tuyền pháp luật, hội nghị khu dân cư, ông nhắc nhở từng gia đình phải cử đại diện tham gia để nắm bắt thông tin, phong trào diễn ra tại địa phương rồi về phổ biến cho thành viên trong nhà.
Đồng thời, để giảm thiểu tai nạn giao thông trong cộng đồng, ông nhắc nhở cha mẹ phải làm gương cho con em trong việc đội nón bảo hiểm và không uống bia rượu khi tham gia giao thông, không giao xe cho con khi chưa có bằng lái. Đặc biệt, để bà con nâng cao cảnh giác trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, qua các hội nghị tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức, ông cùng những bậc cao niên trong cộng đồng trao đổi với bà con để không ai bị các đối tượng xấu lôi kéo làm việc sai trái.
Nhờ làm tốt những việc này mà đồng bào các DTTS đã góp phần cùng địa phương xây dựng cộng đồng ổn định và phát triển. Năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã chọn ấp Tân Thành là nơi tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giáo viên và học sinh trong giờ học tại Trung tâm Ngoại ngữ Hoa văn Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom). |
Thời gian qua được sự chấp thuận của Đảng ủy, UBND xã, anh Đinh Xuân Thảo (dân tộc Mường, xã An Viễn) đã xây dựng các hoạt động an sinh xã hội trợ giúp người nghèo. Qua đó, anh đã vận động trợ giúp hàng tháng cho 2 trường hợp. Với gia đình ở trọ không may có người thân qua đời mà hoàn cảnh khó khăn, anh Thảo dùng tiền cá nhân để hỗ trợ ban đầu rồi vận động để trợ giúp thêm. Nhiều năm qua, anh Thảo cùng nhóm bạn của mình đã duy trì Ngày hội hớt tóc miễn phí với mỗi đợt có từ 100-150 người được phục vụ.
Ngoài ra, anh Thảo chú trọng tuyên truyền người dân, nhất là bà con DTTS tích cực tham gia hiến máu tình nguyện. Để tạo sự tự tin cho bà con, mỗi năm anh Thảo tham gia hiến máu tình nguyện từ 2-3 lần. Điều này góp phần đưa phong trào hiến máu tình nguyện của xã An Viễn phát triển nhanh về số lượng cũng như người hiến máu nhắc lại đạt tỷ lệ cao.
Giúp đồng bào nâng cao dân trí
Cùng với triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi dành cho đồng bào DTTS về y tế, lao động việc làm, tiếp cận vốn chính sách… thì việc tạo điều kiện để đồng bào các DTTS tiếp cận với nhiều hình thức giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong vùng đồng bào DTTS rất được địa phương chú trọng. Đồng thời, đồng bào các DTTS tại đây cũng chủ động thực hiện công tác khuyến học trong cộng đồng.
Tại các xã tập trung đông đồng bào DTTS, như: Bàu Hàm, Sông Thao, Tây Hòa, Thanh Bình, Cây Gáo, Sông Trầu, Bắc Sơn và Hố Nai 3, trong quá trình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người DTTS là nhóm đối tượng ưu tiên trong đào tạo. Thời gian qua, thông qua 24 lớp đào tạo nghề nông thôn đã có 105 người DTTS được tiếp cận (cùng với các nhóm đối tượng khác). Còn 41 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp có 39 người DTTS tham gia. Sau khi hoàn thành các lớp học, có trường hợp đã tìm được việc tại các cơ sở sản xuất ở địa phương và có người tự tạo việc làm cho chính mình bằng việc chăn nuôi, trồng trọt tại nhà.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS, huyện Trảng Bom đã thực hiện nhiều giải pháp liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, để việc học của con em trong cộng đồng được quan tâm nhiều hơn, ngoài việc tuyên truyền, nhiều chương trình học bổng dành cho con em đồng bào DTTS được thực hiện đồng bộ và đảm bảo không bỏ sót đối tượng. Điều này đã tạo nên chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục ở vùng đồng bào DTTS.
Cụ thể, năm học 2023-2024, toàn huyện có 7,6 ngàn học sinh DTTS theo học. Điểm đáng chú ý là 50% trong số này là học sinh nữ. Đây là tín hiệu rất đáng mừng khi đồng bào ngày càng quan tâm đến việc học của con em, nhất là nữ.
Số lượng người DTTS tiếp cận với giáo dục tăng cũng góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng trong vùng đồng bào DTTS. Không ít trường hợp đã quay về địa phương để đảm nhận công tác giáo dục cho con em cộng đồng. Huyện Trảng Bom hiện có 55 giáo viên là người DTTS, trong số này có đến 46 giáo viên nữ.
Bên cạnh đó, Trảng Bom là địa phương có phong trào dạy tiếng dân tộc phát triển mạnh của tỉnh với nhiều hình thức, từ các nhóm tự học đến các trung tâm.
Trung tâm ngoại ngữ Hoa văn Thanh Bình đang là nơi theo học của 450 học sinh thuộc nhiều thành phần dân tộc. Theo ông Lìu Chỉ Khìn, Giám đốc trung tâm, trung tâm là nơi theo học của người dân nhiều xã của huyện. Được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, việc dạy và học tiếng Hoa trong cộng đồng có nhiều thuận lợi. Việc học này cũng góp phần giúp thanh niên trên địa bàn huyện có thêm cơ hội việc làm khi tại huyện có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự yêu cầu có thêm tiếng Hoa.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin