Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạ tầng giao thông, ngập nước ‘vào’ phiên chất vấn HĐND tỉnh

Nga Sơn
15:54, 17/07/2024

(ĐN) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sáng 17-7, đại biểu Dương Thị Mỹ Châu (Tổ đại biểu đơn vị huyện Nhơn Trạch) chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh về vấn đề hạ tầng giao thông đường bộ, tình trạng ngập cục bộ tại một số tuyến đường.

Đại biểu Dương Thị Mỹ Châu (Tổ đại biểu đơn vị huyện Nhơn Trạch) chất vẫn lãnh đạo UBND tỉnh. Ảnh: Nga Sơn
Đại biểu Dương Thị Mỹ Châu (Tổ đại biểu đơn vị huyện Nhơn Trạch) chất vẫn lãnh đạo UBND tỉnh. Ảnh: Nga Sơn

Đại biểu Dương Thị Mỹ Châu nêu, theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 325 vụ tai nạn giao thông làm 228 người chết, 176 người bị thương. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó không thể không nói đến hạ tầng giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, việc quá tải, ngập cục bộ khi mưa lớn tại một số tuyến đường làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Thời gian qua, UBND tỉnh đã đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn… Trước thực trạng trên, UBND tỉnh có giải pháp gì về hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông?

Hạ tầng giao thông, công trình thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu trên đường bộ. Nguyên nhân chính vẫn do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện (chiếm gần 50%); các lỗi do thiếu chú ý, quan sát (chiếm 16,6%); chuyển hướng sai quy định, đi sai làn đường, phần đường (chiếm 23,1%); không bảo đảm khoảng cách an toàn (chiếm 3,1%); chạy quá tốc độ, sử dụng rượu, bia (chiếm 2,1%)… Còn lại số vụ vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Liên quan đến hạ tầng giao thông đường bộ, thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, hành khách và bảo đảm an toàn giao thông.

Công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông và bất cập hạ tầng giao thông được chú trọng. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 18 điểm đen đến nay đã xử lý được 13 điểm đen, 2 điểm tiềm ẩn và 17 vị trí bất cập về hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, do áp lực gia tăng dân số và phương tiện tham gia giao thông, hiện nay lưu lượng xe trên các tuyến đường bộ của tỉnh rất lớn. Trong khi đó tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, gây áp lực đến hệ thống giao thông đường bộ hiện hữu. Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông, nhất là tại một số nút giao trọng yếu, vào giờ cao điểm làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đối với tình trạng ngập nước tại một số tuyến đường, những năm qua đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo xử lý. Đã có nhiều dự án, công trình thoát nước được triển khai xây dựng. Tính đến tháng 1-2024, toàn tỉnh còn khoảng 25 điểm ngập. Đến nay đã có 7 điểm ngập ở thành phố Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Xuân Lộc, Nhơn Trạch được khắc phục.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ngập nước hoặc nước chảy tràn mặt đường khi mưa lớn trên các tuyến đường giao thông vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng đến người và phương tiện khi tham gia giao thông. Nguyên nhân gây ngập có rất nhiều. Trong đó có việc đô thị hóa nhanh; hệ thống thoát nước một số tuyến đường chưa được đầu tư đồng bộ; tình trạng rác thải sinh hoạt chưa được thu gom kịp thời; lấn chiếm dòng chảy…

Ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã đưa ra một số giải pháp. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành trung ương và chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường cao tốc, vành đai, đường tỉnh, huyện để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm góp phần chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện giao thông cho các tuyến đường hiện hữu thường xảy ra ùn ứ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trả lời chất vấn. Ảnh: Nga Sơn
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trả lời chất vấn. Ảnh: Nga Sơn

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ rà soát, kiến nghị mở rộng các tuyến đường cao tốc hiện hữu. Các nút giao thông trọng yếu thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông, tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có giải pháp xử lý, khắc phục. Bám sát quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm, như: đường cao tốc, vành đai, các tuyến đường tỉnh kết nối với Sân bay Long Thành, tạo thành mạng lưới giao thông cơ bản, hoàn chỉnh đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh khi Sân bay Long Thành đi vào khai thác.

Song song đó, tỉnh cũng sẽ phối hợp với bộ, ngành trung ương phát triển hệ thống đường sắt trên địa bàn tỉnh góp phần chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập nước khi mưa lớn trên các tuyến đường. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác bảo trì kết nối hạ tầng giao thông đường bộ; thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các tồn tại, bất cập để khắc phục nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh, các địa phương quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự giao thông, đô thị.

Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động, phát động phong trào người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc thu gom rác, bỏ rác đúng nơi quy định góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường và chống ngập…

Nga Sơn

Tin xem nhiều