Sáng 16-7, tại phiên khai mạc Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 18 (khóa XI), Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đã trình bày kết quả công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh 6 tháng đầu năm.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế 6 tháng của Đồng Nai đã có những chuyển biến rõ nét ở hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, không vì thế mà UBND tỉnh chủ quan trong công tác điều hành ở những tháng còn lại của năm 2024.
Nỗ lực vượt khó
Sau thời gian tăng trưởng chậm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu, 6 tháng đầu năm kinh tế của tỉnh trong tiếp tục phục hồi tốt. So với cùng kỳ năm 2023, hầu hết các lĩnh vực đều có kết quả tăng trưởng tốt hơn. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng có bước tăng trưởng khá, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp dần cải thiện rõ nét.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi trình bày báo cáo của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh. Ảnh: Công Nghĩa |
Phân tích cụ thể hơn về bức tranh kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 122,9 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng đạt 6,8% so với cùng kỳ (mục tiêu cả năm 2024 từ 6,5-7%).
So với mức tăng trưởng GRDP của cả nước 6 tháng đầu năm là 6,12% thì Đồng Nai ở mức cao hơn, đồng thời còn cao hơn một số tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ.
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo đều ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh, đồng thời được đánh giá là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Đồng Nai. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 11,34 tỷ USD (tăng 9,05%), còn nhập khẩu ước đạt trên 8,27 tỷ USD (tăng 7,13%). Giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt trên 3,07 tỷ USD.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra việc triển khai dự án trọng điểm về giao thông tại huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Công Nghĩa |
Hạ tầng của Đồng Nai đang trong quá trình hoàn thiện mạnh mẽ, do đó đã tạo ra sức hút đầu tư trong nước lẫn cả nước ngoài (FDI). Tính đến ngày 30-6, tỉnh đã thu hút được trên 11,6 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (tăng 76% so với cùng kỳ). Điều đáng mừng là không có dự án đầu tư trong nước nào bị giảm vốn.
Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tính đến ngày 30-6 đã đạt khoảng 939 triệu USD (đạt 85% so với kế hoạch năm 2024, tăng 39% so với cùng kỳ). Nếu so sánh với cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai đứng thứ 7/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ.
Kinh tế khởi sắc đã giúp tỉnh có những chuyển biến tích cực về thu ngân sách. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên 30,4 nghìn tỷ đồng và đạt 54% so với dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ.
Xác định "trúng" điểm yếu để có giải pháp tốt
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp so kế hoạch, nhất là tiến độ giải ngân đầu tư công các dự án, công trình trọng điểm. Điều này xuất phát từ tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công, các dự án trọng điểm triển khai chưa đạt yêu cầu đề ra. Tính đến ngày 20-6, tỉnh mới giải ngân đạt 16,03% kế hoạch.
Một góc khu nhà ở cao tầng tại phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa |
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế. Cụ thể quá trình thực hiện phải rà soát điều chỉnh nhiều lần, thời gian lập và thẩm định phê duyệt kéo dài. Ngoài ra, chất lượng hồ sơ quy hoạch xây dựng, đô thị còn phải thường xuyên điều chỉnh cục bộ, hoặc chưa đến kỳ quy hoạch đã phải điều chỉnh lại hồ sơ. Điều này gây khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hiện các dự án chống ngập, dự án thoát nước tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Nhiều khu vực trong các đô thị chưa đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước, dẫn đến tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch còn hạn chế nên chưa đáp ứng tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh, vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Một số dự án nhà ở xã hội dù đã xác định chủ đầu tư, diện tích thực hiện, quy mô số căn hộ nhưng đến nay chưa thực hiện. Bên cạnh đó, vi phạm quy định về quy hoạch, đất đai, xây dựng, ô nhiễm môi trường ở một số địa phương vẫn còn xảy ra.
Nói về các giải pháp tiếp tục tăng tốc phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể. Các chỉ tiêu còn đạt thấp thì phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp.
Về giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác giải ngân đầu tư công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết, sẽ tập trung xử lý vướng mắc ở từng khâu, từng bước từ khi lập chủ trương dầu tư, xây dựng hồ sơ dự án cho đến công tác giải pháp mặt bằng, thi công xây dựng.
Nhiều dự án trọng điểm đã được UBND tỉnh xác định ưu tiên dồn lực triển khai như: Dự án như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án Vành đai 3, Vành đai 4 và các dự án trọng điểm của tỉnh.
Tỉnh sẽ tiếp tục đốc thúc triển khai nhanh các khu tái định cư giai đoạn 2024-2025 đảm bảo nhu cầu tái định cư hiện nay tại các địa phương, đồng thời tiếp tục triển khai đấu giá đất để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển.
Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Đồng Nai đã tìm đến các trường đại học hợp tác đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Ảnh: Công Nghĩa |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng đề cập đến giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh bằng việc sẽ sớm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư sau khi công bố quy hoạch tỉnh (dự kiến đầu tháng 8-2024).
Lãnh đạo tỉnh một lần nữa khẳng định sẽ tăng cường thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin