Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 7, 11/01/2025, 12:02 En

Mục đích duy nhất khi thực hiện sinh trắc học là bảo đảm quyền và lợi ích người dân

Lâm Viên
08:10, 10/07/2024

Trong khi Nhà nước và các ngành đang nỗ lực triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân thì trên một số trang mạng xã hội lại có ý kiến, thông tin xuyên tạc chủ trương mới này với mục đích làm giảm uy tín của Nhà nước.

Dòng trạng thái trên fanpage của mạng xã hội r. và một số bình luận. Ảnh chụp màn hình
Dòng trạng thái trên fanpage của mạng xã hội r. và một số bình luận. Ảnh chụp màn hình

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18-12-2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, kể từ ngày 1-7-2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay. Thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học.

Mục đích là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân

Những ngày gần đây, một số trang mạng xã hội đăng nhiều thông tin về vấn đề thực hiện sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng, thu hút nhiều lượt tương tác.

Trong đó, ngày 4-7, trang r. đăng dòng trạng thái “Bạn nghĩ gì khi Ngân hàng Nhà nước buộc người dùng phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng”. Nhiều bình luận dưới dòng trạng thái này cho rằng, đây là “thủ tục hành là chính. Mất thời gian”, “ròm rà (viết sai chính tả - rườm rà - PV), chẳng đâu ra đâu”, Nhà nước đang “không thể kiểm soát nên gây khó khăn”, “để theo dõi người dân”…

Tại một trang mạng khác, bình luận dưới dòng trạng thái về lỗi sinh trắc học, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do “hạ tầng chưa xong đã triển khai”…

Thực tế, điều đầu tiên cần khẳng định, quy định thực hiện sinh trắc học là một việc thực sự cần thiết trong bối cảnh tội phạm mạng liên tục nảy ra nhiều hành vi lừa đảo mới tinh vi hơn. Đây là một trong những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước nhằm mục đích làm sạch các tài khoản ngân hàng, những tài khoản không chính chủ sẽ không được dùng nữa; đồng thời, đảm bảo an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet; góp phần giảm thiểu rủi ro khi thanh toán trực tuyến qua ngân hàng. Qua đó đảm bảo quyền lợi cho người dân hơn khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng.

Theo thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 diễn ra vào chiều 6-7, tính đến chiều 5-7, các ngân hàng đã đối chiếu với căn cước công dân theo dữ liệu của Bộ Công an làm sạch khoảng 19 triệu tài khoản.

Về tình trạng người dân gặp lỗi khi thực hiện sinh trắc học, trong ngày đầu 1-7, do rất đông người vào thử các hệ thống nên có sự trục trặc nhất định. Những ngay sau đó, hệ thống đã hoạt động bình thường. Qua đó cho thấy, việc một số ý kiến cho rằng Việt Nam chưa chuẩn bị hạ tầng, “thủ tục rắc rối, rườm rà” khi triển khai quy định này là không có cơ sở.

Hiện nay, giao dịch ngân hàng trên môi trường mạng ổn định. Theo thông tin Ngân hàng Nhà nước, giao dịch ngày 5-7 đạt điểm đỉnh của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, với 26,3 triệu giao dịch, lớn nhất trong 10 ngày gần đây, trong đó 8,35% là giao dịch trên 10 triệu đồng.

Trong điều kiện đường truyền mạng ổn định như hiện nay, việc thực hiện xác nhận sinh trắc học khá đơn giản và người dân hoàn toàn có thể tự thực hiện thành công nếu đọc kỹ các hướng dẫn. Trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quá trình này, người dân có thể đến liên hệ trực tiếp tại các quầy giao dịch của ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời.

Hiện nay, về bảo mật giao dịch, người dân khi giao dịch ngân hàng qua internet trên 10 triệu đồng có thêm một bước kiểm tra sinh trắc học, còn các giao dịch khác vẫn như cũ, gồm: mã OTP, username, password.

Quan trọng là ý thức của người dân để sử dụng mạng xã hội an toàn

Bàn luận về quy định thực hiện sinh trắc học, trên một số trang mạng xã hội, có ý kiến nêu vấn đề: “Nếu xác thực sinh trắc học rồi mà vẫn bị lừa đảo, mất tiền thì ai chịu trách nhiệm”, và cho rằng: “người dân phải chấp nhận chịu mất mát”…

Trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chia sẻ: “Tất cả các giải pháp không có gì là an toàn tuyệt đối, chúng ta ra cái này thì tội phạm ra cái khác và như thế phải liên tục khuyến cáo”, “ngân hàng liên tục khuyến cáo trước những thủ đoạn mới”.

Thời gian qua, trước việc người dân bị lừa đảo tiền qua không gian mạng với nhiều thủ đoạn tinh vi, các ngành chức năng đã nâng cấp hệ thống và triển khai các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, đồng thời đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, giải pháp quan trọng vẫn là nâng cao ý thức của người dân khi sử dụng internet, mạng xã hội nói chung và các giao dịch ngân hàng qua mạng nói riêng. Bởi lẽ, một trong những chiêu thức mà tội phạm mạng thường hay sử dụng là đánh vào tâm lý người dân, rồi từ đó người dân chủ động thực hiện thao tác chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra.

Thậm chí, có trường hợp đã “cẩn thận” gửi tiền theo hình thức sổ tiết kiệm tại ngân hàng, nhưng vì nhẹ dạ cả tin, người dân vẫn đến trực tiếp ngân hàng để tất toán tiền, gửi hàng trăm triệu đồng cho “bạn trai qua mạng”. Rất may là cán bộ công an và ngân hàng đã kịp thời ngăn chặn sự việc; đồng thời tuyên truyền, giải thích nên người này đã nhận ra mình bị đối tượng lạ lừa đảo để chiếm đoạt tiền.

Tại Hội nghị Giao ban Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ quý I, diễn ra vào tháng 4-2024, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Giang Thị Thu Nga cho biết: “Thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh và các cơ quan khác đã tổ chức truyền thông, chia sẻ rất nhiều thông tin cảnh báo lừa đảo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều người dân, thậm chí có cả trường hợp cán bộ, vẫn bị lừa đảo. Do đó, cũng cần phải xem lại tinh thần trách nhiệm trong việc tự học tập, nâng cao kỹ năng, kiến thức sử dụng mạng xã hội, internet an toàn của cán bộ, đảng viên và người dân. Thực tế, mạng xã hội là một kho tàng kiến thức khổng lồ, mỗi người, từ trẻ em cho đến người lớn, phải tự học tập, trang bị kỹ năng sử dụng internet và mạng xã hội an toàn, bên cạnh việc ngành chức năng đẩy mạnh nhiều phương thức tuyên truyền, truyền thông về vấn đề này cho người dân”. 

Về vấn đề này, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị: “Việc tuyên truyền của ngành chức năng cần phải cụ thể, “cầm tay chỉ việc”, có tài liệu như cẩm nang dạng hỏi - đáp rất đơn giản về phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo; hoặc có thể xã hội hóa bằng các tiểu phẩm… để người dân dễ nhớ, dễ áp dụng”.

Như vậy, có thể thấy, Đảng, Nhà nước, các ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, giúp người dân nâng cao kỹ năng, kiến thức sử dụng mạng an toàn. Trong đó, việc thực hiện sinh trắc học là thêm một biện pháp an toàn, bảo mật, nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân khi giao dịch ngân hàng qua mạng. Mọi luận điệu xuyên tạc, cố ý vu khống, bôi nhọ chính sách mới của Nhà nước đều nhằm mục đích xấu, người dân cần tuyệt đối cảnh giác.

Lâm Viên