Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7):
Nỗ lực vươn lên “tàn nhưng không phế”

Nguyệt Hà
08:13, 25/07/2024

Trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, nhiều cựu chiến binh (CCB), thương, bệnh binh đã nỗ lực vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, trở thành những điển hình “tàn nhưng không phế”.

Thương binh Đoàn Trung Ngọc (ngồi) với mô hình kinh tế của gia đình. Ảnh: N.Hà
Thương binh Đoàn Trung Ngọc (ngồi) với mô hình kinh tế của gia đình. Ảnh: N.Hà

Quyết tâm vươn lên

CCB, thương binh 3/4 Đoàn Trung Ngọc (ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) mang trên mình vết tích của chiến tranh khi bị cắt cụt một bàn tay và mất đi hơn 40% sức khỏe. Chiến thắng kẻ thù trong thời chiến đã giúp ông tiếp tục vươn lên xây dựng mô hình Khu kinh tế dịch vụ trang trại du lịch.

Từ mô hình này, sau khi trừ các khoản chi phí, thương binh Đoàn Trung Ngọc thu về lợi nhuận bình quân 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, mô hình kinh tế của gia đình thương binh Đoàn Trung Ngọc đã giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định, ông Ngọc còn là điển hình tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội CCB ấp Hưng Bình và Hội CCB xã Hưng Thịnh. Trung bình mỗi năm, gia đình ông ủng hộ hàng chục triệu đồng cho hoạt động nghĩa tình đồng đội, thiện nguyện…

Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Nguyễn Hữu Thành:

Thêm điều kiện chăm lo cho người có công

Huyện Long Thành hiện có gần 1,9 ngàn trường hợp người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, trong đó có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Việc HĐND tỉnh thông qua nghị quyết hỗ trợ người có công sẽ tạo thêm điều kiện để công tác chăm lo cho người có công được tốt hơn.

Thương binh, CCB hạng 3/4 Nguyễn Duy Tân, Bí thư Chi bộ khu phố 11A, phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa), hoàn thành nhiệm vụ trong thời chiến, tiếp tục phát huy cao độ phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” cùng Chi ủy xây dựng Chi bộ khu phố 11A luôn là chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Đảng bộ phường Tân Phong.

Chia sẻ về điều này, thương binh Nguyễn Duy Tân bày tỏ: “Trở về cuộc sống đời thường, tôi luôn tâm niệm còn sức thì còn góp phần để tỏa sáng hơn nữa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Là người thương binh, càng thấm nhuần lời Bác dạy “tàn nhưng không phế”.

Bị thương 7 lần trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thương binh hạng 4/4 Lâm Cảnh Cần (ngụ ấp Võ Dõng 2, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) vẫn nỗ lực không ngừng trong cuộc sống. Ông và gia đình tích cực làm kinh tế, tham gia vào các hoạt động của địa phương, thường xuyên giúp đỡ cán bộ, hội viên, những trường hợp hoàn cảnh khó khăn.

“7 lần bị thương, hiện còn mảnh đạn găm trên cơ thể hành tôi mỗi lúc trái gió, trở trời nhưng không vì thế mà tôi chùn bước, phải vươn lên, nỗ lực để sống thay những đồng đội đã hy sinh cho mình được sống” - ông Cần bộc bạch.

Quan tâm chăm sóc, hỗ trợ người có công

Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Huỳnh Công Phúc cho biết, hiện tổng số cán bộ, hội viên CCB là thương binh có gần 3,5 ngàn người. Họ là những thương binh trực tiếp chiến đấu và trải qua chiến đấu nên khi trở về cuộc sống, đều phát huy tốt phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới, góp sức tích cực vào xây dựng đất nước.

Cùng với gần 3,5 ngàn CCB là thương binh, trong tỉnh còn trên 1,4 ngàn trường hợp CCB là những người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp theo quy định. Qua khảo sát, đời sống thương binh, người hoạt động kháng chiến đều có cuộc sống khá tốt, bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân cùng địa bàn.

Thương binh Nguyễn Duy Tân (giữa) trao đổi với lãnh đạo phường Tân Phong về các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.
Thương binh Nguyễn Duy Tân (giữa) trao đổi với lãnh đạo phường Tân Phong về các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.

Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động, thương binh và xã hội) Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, động viên, chăm lo thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vươn lên trong cuộc sống là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Vì vậy, việc HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là một trong những giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục chăm lo tốt hơn cho đời sống người có công trong tỉnh. Theo đó, nghị quyết tập trung nâng cao mức quà tặng, mức hưởng chế độ điều dưỡng dành cho người có công và thân nhân của họ.

Bà Huỳnh Lan Anh, người có công ngụ phường Bửu Long (thành phố Biên Hòa), chia sẻ: “Việc HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về chính sách người có công lần này thể hiện việc cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội luôn quan tâm và nỗ lực để chăm lo tốt hơn đời sống của chúng tôi”.            

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều