Báo Đồng Nai điện tử
En

Khát vọng hòa bình, ý chí thống nhất

Mai Sông Bé
07:05, 20/07/2024

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết với các nội dung: đình chỉ chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), chấm dứt sự cai trị gần 100 năm của thực dân Pháp ở vùng đất gánh nhiều đau thương và anh dũng.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Genève. Ảnh: T.L
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Genève. Ảnh: T.L

Có thể nói, qua hiệp định này, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - phân kỳ theo giới sử học phương Tây và cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 lại bắt đầu với việc quân đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa không chịu ký vào bản hiệp ước lịch sử này (thực ra Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương từ năm 1945).

Ngay sau khi Hiệp định Genève vừa ký kết, ông Ngô Đình Diệm, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, ra lệnh treo cờ trắng từ Quảng Trị đến Cà Mau, giống như trước đó Chính phủ Pháp ra lệnh treo cờ rủ sau khi Điện Biên Phủ thất thủ. Chính chiến thắng lừng lẫy ở một địa điểm mà tướng tá thực dân cho rằng bất khả xâm phạm đã tạo ra tiếng nói cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thêm sức nặng trong phát biểu trên bàn đàm phán. Ngay cả ngoại trưởng Pháp Georges Bidault, lúc đoàn Việt Nam mới tới Genève còn ngạo mạn nói với các nhà báo: “Đó là những bóng ma đến từ Đông Dương” nhưng sau ngày 7-5-1954, ông ta đến bàn thương lượng với bộ com-lê đen và cúi đầu trước phái đoàn Việt Nam. Bởi khi lá cờ quyết thắng của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cắm trên hầm tướng De Castries thì coi như chế độ thực dân của Pháp thực tế đã chấm hết rồi.

Hiệp định Genève hình thành sau 75 ngày đàm phán với 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai. Hiệp định được ký ngày 20-7-1954 với 3 hiệp định đình chỉ chiến sự riêng rẽ ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Sau đó, ngày 21-7-1954, các bên tham gia đã cùng đồng thuận đưa ra tuyên bố cuối cùng về Hội nghị Genève.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Trưởng phái đoàn Việt Nam Cộng hòa lúc đó là ông Trần Văn Đỗ, một nhân vật phản diện, là chú ruột của bà Trần Lệ Xuân, quê ở làng Mỹ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cũng nghe theo phái đoàn Hoa Kỳ, không chịu ký vào bản hiệp định hòa bình này. Họ sợ hòa bình đến mức báo chí thời đó không được dùng 2 từ hòa bình nên các ký giả ở Sài Gòn thời đó phải dùng từ thanh bình để khỏi bị chính quyền làm khó dễ.

Lấy lý do Hiệp định Genève gây chia cắt đất nước Việt Nam, ông Ngô Đình Diệm không chịu ký vào bản hiệp định này. Mặc dù hiệp định ghi rõ vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời để chuyển quân, 2 năm sau đó, tức năm 1956, sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng chính phủ Sài Gòn không chỉ sợ hòa bình, mà họ còn sợ thống nhất đất nước, bằng cớ là từ năm 1954-1958, đã 4 lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng có công hàm gửi ông Ngô Đình Diệm đề nghị hai bên hiệp thương bàn về việc tổng tuyển cử thống nhất đất nước nhưng chính phủ ở Sài Gòn đều từ chối. Ông Ngô Đình Diệm còn tuyên bố với giới truyền thông sẽ “kéo biên giới của thế giới tự do đến vĩ tuyến 17”.

Phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève thống nhất đất nước bị đàn áp thẳng tay, vì cả ông Diệm lẫn người Mỹ đều sợ nếu tổng tuyển cử nhân dân sẽ dồn phiếu cho chính phủ Hồ Chí Minh, vốn có uy tín rất lớn đối với nhân dân 2 miền Nam Bắc, bởi họ là Việt Minh - những người đã đánh bại thực dân Pháp và nhẹ nhàng giải quyết êm thấm chiếc ngai vàng phong kiến đã tồn tại ngàn năm ở Việt Nam.

Để phục vụ cho ý đồ chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, giới chính quyền ở Sài Gòn đã liên tục có những hành vi phá hoại Hiệp định Genève, nghĩa là chống lại hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Vì vậy, những người Việt Minh và sau này người Mỹ gọi là Việt Cộng, đã làm nhiệm vụ lịch sử ấy bằng cuộc kháng chiến kéo dài suốt 21 năm với chung cuộc, đã “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, đem lại hòa bình cho dân tộc, thống nhất đất nước bằng cuộc tổng tuyển cử ngày 25-4-1976, bầu ra Quốc hội khóa VI.

Đất nước được thống nhất, tiềm năng nội sinh được gợi mở, sức mạnh dân tộc được phát huy; sức mạnh thời đại được “gạn đục khơi trong”, tiếp thu tạo thành những xung lực, động năng mới cho quốc lực tăng tiến, phát triển và thăng hoa. Nhờ đó, từ một nước tiểu nông, có lúc thiếu ăn, Việt Nam đã có cơ sở tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa rồi từng bước đi thẳng lên một nền kinh tế số, xã hội số như hiện nay.

Mai Sông Bé 

Tin xem nhiều