Suốt 77 năm qua, cả hệ thống chính trị và toàn dân từ Trung ương đến các địa phương luôn có nhiều hình thức, cách làm nhằm chăm lo tốt hơn đời sống người có công (NCC) với cách mạng.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam thăm, tặng quà thương binh Lê Văn Thiên, ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa. Ảnh: N.HÀ |
Tại Đồng Nai, liên tục những ngày này, nhiều đoàn lãnh đạo tỉnh, các địa phương trực tiếp đến gia đình những thương binh, cựu chiến binh (CCB) bệnh binh nặng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống thăm hỏi, động viên, tặng những phần quà tri ân NCC. Việc làm ý nghĩa này tiếp tục giáo dục, động viên thế hệ hôm nay tri ân NCC, thực hiện trọn vẹn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và cùng chung tay chăm lo tốt hơn đời sống NCC trên địa bàn.
Luôn nỗ lực vươn lên
Đến thăm, động viên và tặng quà gia đình thương binh hạng 1/4, CCB Lê Văn Thiên (ngụ khu phố 4, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa), những thành viên trong đoàn công tác của Thành ủy Biên Hòa không khỏi xúc động khi nghe ông kể về thời kỳ chiến đấu gian khổ và sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên khi trở lại cuộc sống đời thường.
Thương binh Lê Văn Thiên sinh năm 1935, tại Nghệ An. Ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, làm Tiểu đội trưởng du kích địa phương đưa dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông lại theo các đoàn quân tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trực tiếp tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cũng trong giai đoạn này, ông bị thương nặng, bị hư một mắt, cắt 1 chân với tỷ lệ thương tật hơn 90%.
Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27-7) năm nay, tỉnh đã lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến thăm 22 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống và các thương binh nặng có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên. Tỉnh đã chọn 6 điển hình tiêu biểu cử tham dự Hội nghị Gặp mặt biểu dương thương binh, NCC tiêu biểu toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.
Hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, ông được phân công về công tác tại UBND tỉnh Đồng Nai. Nghỉ hưu, ông tham gia nhiều hoạt động, hiện là Trưởng ban Liên lạc CCB Trung đoàn 271, Quân khu 4 tỉnh Đồng Nai; hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai; tích cực cùng cán bộ, hội viên tham gia cung cấp thông tin phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông được tặng nhiều phần thưởng của UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh, Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam...
Đảng viên Lê Huy Nguyện, 76 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng (ngụ ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành) kể, từ năm 1968 đến sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, ông có mặt trong nhiều chiến dịch lớn, cũng như giúp nước bạn Campuchia giải phóng tỉnh Kampongcham. Cả 5 người con của ông đều bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin…
Nỗi đau là thế, nhưng ông vẫn vươn lên, biến vùng đồng chua nước mặn thành nơi làm giàu cho gia đình. Liên tục từ năm 2006 đến nay, ông luôn được công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn là gia đình cách mạng kiểu mẫu...
Chăm lo mọi mặt cho người có công
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, 100% NCC trong tỉnh đều được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định của Nhà nước. Trong đó, bên cạnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng được nâng hơn 26,5% từ ngày 1-7-2023 đến nay, bằng nhiều nỗ lực cố gắng tiết kiệm chi tiêu và bố trí ngân sách bình quân mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng chăm lo cho NCC trên địa bàn.
“Đây vừa là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, vừa là tình cảm, sự nhân văn của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với NCC với cách mạng trên địa bàn”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định.
Trưởng phòng NCC, Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện toàn tỉnh đang quản lý trên 57,7 ngàn hồ sơ, trong đó có hơn 52,6 ngàn hồ sơ NCC với cách mạng và thân nhân họ; hơn 5 ngàn hồ sơ hưởng trợ cấp một lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ chăm lo cho NCC được thực hiện thường xuyên, nhất là những ngày tháng 7 này, các hoạt động như: thăm, tặng quà, rà soát, chi trả trợ cấp cho NCC theo chế độ, quy định và mức hỗ trợ theo chính sách mới được cán bộ các địa phương thực hiện hiệu quả.
“Việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng là một trong những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng thời gian qua. Qua đó, tiếp tục chăm lo tốt hơn cho NCC và gia đình họ từ vật chất đến tinh thần. Nhờ vậy, NCC trên địa bàn đều có mức sống bằng hoặc tốt hơn dân cư cùng khu vực sinh sống” - bà Kim Ngân cho biết thêm.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mùi (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) có chồng và 2 con trai là liệt sĩ. Hiện mẹ đang ở cùng người con gái út. Mẹ sống vui vẻ bởi luôn đón nhận sự chăm sóc về mọi mặt của cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến phường.
Mới đây, khi Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và đoàn công tác đến thăm, tặng quà cho mẹ nhân 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, mẹ Mùi nói: “Giờ tuổi cao rồi (năm nay mẹ 103 tuổi) không ăn uống được nhiều nhưng có con cháu quây quần, lại được nhiều cán bộ các cấp đến thăm, mẹ cứ tưởng tượng như chồng và các con mẹ đang về bên mẹ”.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, hiện nay, 100% hộ NCC đều có mức sống tốt; 170/170 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Từ năm 2020 đến tháng 6-2024, tỉnh đã chi trả trợ cấp hàng tháng cho gần 320 ngàn lượt NCC với cách mạng và thân nhân của họ với kinh phí trên 1 ngàn tỷ đồng. Chi trả trợ cấp một lần cho 4,3 ngàn lượt NCC với kinh phí hơn 23 tỷ đồng.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin