Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương: Có hạn chế phát huy dân chủ?

Sao Khuê
08:00, 26/06/2024

Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình làm trưởng đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng năm 2023 tại Huyện ủy Xuân Lộc. Ảnh: Phương Hằng

Sự cần thiết phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng có nghĩa là thực hiện thường xuyên hơn nữa, nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các quy định và kỷ luật của Đảng. Nói cách khác, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng là tuân thủ các quy định của Đảng một cách nghiêm ngặt; đồng thời, thực thi kỷ luật một cách tự giác, đúng phương hướng, phương châm, tính chất, mức độ vi phạm, đúng người, đúng tội, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”.

Kỷ luật, kỷ cương của Đảng là sức mạnh, là một trong những yếu tố quyết định, bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh cầm quyền, lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội. Vì vậy, mọi tổ chức Đảng và đảng viên dù giữ chức vụ lãnh đạo cao hay thấp đều phải khép mình vào kỷ luật, kỷ cương của Đảng, đều bình đẳng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Mọi biểu hiện coi thường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tự đặt mình lên trên tổ chức và những hành động vi phạm kỷ luật của Đảng đều làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, bên cạnh những ưu điểm, việc tuân thủ kỷ luật, kỷ cương trong Đảng còn nhiều khuyết điểm, hạn chế: việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa kịp thời, chưa sát thực tế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số chủ trương, nghị quyết có nơi, có lúc chưa quyết liệt, còn yếu kém, chậm trễ nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự. Nhiều tổ chức Đảng buông lỏng sự lãnh đạo, chưa có biện pháp hữu hiệu để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, đảng viên tuân thủ kỷ cương và chấp hành kỷ luật đảng, dẫn đến vi phạm, có nơi vi phạm nghiêm trọng kéo dài nhưng chậm phát hiện hoặc có phát hiện nhưng việc chỉ đạo, kiểm tra, xem xét, xử lý thiếu kịp thời, không kiên quyết, không đúng với lỗi vi phạm, không xử lý dứt điểm…

Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến mau lẹ, phức tạp, khó đoán định. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế, sức mạnh tổng hợp và uy tín trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: “Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp”. Tình hình đó sẽ tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, hơn lúc nào hết, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Thực tế cho thấy, kỷ luật, kỷ cương càng nghiêm thì dân chủ càng được nâng cao, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào kỷ cương, phép nước và sự đồng thuận của xã hội với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước càng được củng cố, tăng cường.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương có dẫn đến hạn chế phát huy dân chủ?

Hiện nay, đâu đó cũng có ý kiến cho rằng, trong thời gian qua, việc các cấp ủy, tổ chức Đảng xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sệt, không dám quyết đoán, nhất là không dám thực hiện những tư duy đột phá, sáng tạo. Điều đó làm mất đi cơ hội để bứt phá, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, cách tiếp cận về kỷ luật, kỷ cương của Đảng như vậy là hoàn toàn sai lầm và ngụy biện. Hệ lụy của những nhận thức sai lầm này sẽ dẫn đến tình trạng buông lỏng kỷ luật, kỷ cương, bỏ qua, tiếp tay cho các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực, tham nhũng phát triển.

Trước hết, cần phải hiểu rằng, mục tiêu của tăng cường kỷ luật, kỷ cương không phải là triệt tiêu dân chủ, càng không phải thi hành kỷ luật càng nhiều, càng nặng càng tốt. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương chủ yếu là để ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe, giúp đảng viên, tổ chức Đảng không mắc khuyết điểm, sai phạm hoặc khi mắc khuyết điểm, sai phạm thì kịp thời nhận ra và có biện pháp khắc phục, sửa chữa; nêu cao ý thức trách nhiệm chấp hành kỷ luật, kỷ cương để tổ chức Đảng và đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc và tự giác chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Nhưng nếu tổ chức Đảng và đảng viên không nghiêm túc thực hiện các quy định của Đảng dẫn đến sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật, không được bỏ qua; vi phạm đến đâu, xem xét, xử lý đến đó để đảm bảo sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng.

Mối quan hệ giữa phát huy dân chủ và tăng cường, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng là một quan điểm mới của Đảng ở Đại hội XIII. Quan điểm này xuất phát từ việc Đảng nhận thức rõ hơn về vấn đề có tính quy luật trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, đó là: “dân chủ” đi liền với “kỷ luật”, “kỷ cương”, “tự do” không tách rời “trách nhiệm”. Nói một cách khác, dân chủ và kỷ luật, kỷ cương là 2 mặt thống nhất trong cơ chế hoạt động của Đảng, nghĩa là: trong yếu tố dân chủ thực sự đã bao hàm cả yếu tố kỷ luật, kỷ cương và kỷ luật, kỷ cương để bảo đảm cho dân chủ được thực hiện đúng, đầy đủ và vững chắc.

Thực hành dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng là vấn đề cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc: Dân chủ càng mở rộng thì kỷ luật, kỷ cương càng được giữ vững. Đây chính là điều kiện để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Thực hành dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương thực chất là 2 mặt của một vấn đề, tác động biện chứng lẫn nhau. Không có dân chủ thuần túy mà dân chủ luôn gắn với tập trung, kỷ luật, kỷ cương. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên chấp hành kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần tự giác, phải ghép mình trong tổ chức, tự giác chấp hành đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Dân chủ quá trớn, tự do tùy tiện đều trái với bản chất dân chủ của Đảng, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Do đó, trong thời gian tới càng phải tiếp tục giải quyết đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết, quyết định năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.     

Sao Khuê

Tin xem nhiều