Trở lại với cuộc sống đời thường, những người lính Cụ Hồ trước đây không cam chịu nghèo khó mà quyết tâm vươn lên chiến thắng trên mặt trận mới: làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình và giúp đỡ đồng chí, đồng đội.
Mô hình trồng sầu riêng của cựu chiến binh Trần Hồng Nhiễm (ở xã Phú Xuân, huyện Tân Phú). Ảnh: N.HÀ |
Không khuất phục đói nghèo
Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, cựu chiến binh (CCB) Trần Hồng Nhiễm, Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Bàu Chim, Hội CCB xã Phú Xuân (huyện Tân Phú) trở về trong điều kiện rất nhiều khó khăn. CCB Trần Hồng Nhiễm đã học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn do các cấp CCB tổ chức để cải tạo vườn tạp trở thành vườn cây ăn trái với nhiều giống mới cho thu nhập cao.
Ông Nhiễm kể rằng, vào thời điểm những năm 1997-1998, vùng đất Phú Xuân còn hoang sơ, nghèo khó. Những CCB như ông nhiều người không trụ lại quê hương đã tìm đường đi làm ăn nơi xa. Xác định thế hệ các ông phải đổ máu, hy sinh hoặc mang thương tật để bảo vệ độc lập, không lý gì thời bình lại cam chịu trước đói nghèo, ông cùng nhóm đồng đội tham gia các lớp tập huấn, làm kinh tế, làm vườn trang trại.
Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh, đại tá HUỲNH CÔNG PHÚC cho biết, từ những tấm gương CCB đam mê làm kinh tế, hiện toàn tỉnh không còn CCB thuộc diện hộ nghèo. Nguồn quỹ hội xây dựng đạt khoảng 86 tỷ đồng; bình quân trên 2,7 triệu đồng/hội viên…
Bản tính chịu thương chịu khó cộng với những năm tháng trui rèn trong quân ngũ, hơn 2 mẫu vườn tạp của gia đình ông từng bước được thay đổi bằng màu xanh của cây trái với tiêu, điều, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Nhiễm còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB trong xã. Ông làm Tổ trưởng Tổ hợp tác CCB trồng sầu riêng xã Phú Xuân với 10 hộ đều là CCB tham gia với mức thu nhập bình quân đạt từ 300-500 triệu đồng/năm.
CCB Trần Hồng Nhiễm còn là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Bàu Chim, Phó bí thư Chi bộ và Trưởng ấp Bàu Chim. Hơn 12 năm qua, ông đã cùng chi bộ, chi hội và ấp động viên, tuyên truyền để cán bộ, hội viên CCB và nhân dân tích cực tham gia làm kinh tế. Ấp Bàu Chim có tổng số 440 hộ, hiện không còn hộ nghèo, chỉ còn vài hộ hoàn cảnh khó khăn. Ông Nhiễm thường xuyên vận động chi hội và các mạnh thường quân quan tâm hộ chính sách; mua quà, tặng gạo cho những trường hợp neo đơn khó khăn, không nơi nương tựa với bình quân mỗi năm từ 250-300 phần quà và kinh phí ủng hộ khoảng 100 triệu đồng.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) CCB phát triển kinh tế bền vững xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) Nguyễn Văn Tiếp cũng là tấm gương CCB tiêu biểu của huyện Tân Phú.
Đi vào hoạt động từ tháng 7-2022, đến nay, CLB CCB phát triển kinh tế bền vững xã Thanh Sơn đã thu hút đông đảo hội viên tham gia với chung niềm đam mê làm kinh tế giỏi. Từ 12 hội viên ban đầu, CLB hiện có trên 35 hội viên; tổng nguồn quỹ hội xây dựng đạt trên 120 triệu đồng, bình quân khoảng 4 triệu đồng/hội viên. 100% hội viên CLB đều có cuộc sống khá và giàu; CLB chủ yếu trồng sầu riêng, chăn nuôi với mức thu nhập bình quân từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hộ/năm.
Góp sức xây dựng quê hương
Làm kinh tế giỏi, cán bộ, hội viên CCB còn tích cực góp sức xây dựng quê hương, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao trên địa bàn.
Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Huỳnh Công Phúc cho hay, cùng với xây dựng tổ chức hội vững mạnh, thời gian qua, Thường trực Hội CCB tỉnh quán triệt nghiêm các chủ trương về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đến cán bộ, hội viên CCB. Vì vậy, ở từng vị trí, vai trò khác nhau, CCB đều có đóng góp tích cực, nhất là các tiêu chí đã được xác định trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
“Đóng góp vào phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thời gian qua, các cấp Hội CCB trên địa bàn tỉnh đã phối hợp, vận động gần 130 tỷ đồng; hơn 110 ngàn ngày công lao động, sửa chữa, làm mới gần 364km đường giao thông nông thôn, nạo vét, sửa chữa, xây mới 179km kênh mương nội đồng; hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, còn phối hợp vận động, xây dựng mới 144 căn nhà ở, sửa chữa 81 căn hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng góp sức cùng xây dựng quê hương” - ông Phúc nhấn mạnh.
Trường hợp của CCB Nguyễn Văn Hưng (ngụ ấp Cây Xăng, xã Phú Túc, huyện Định Quán) là một ví dụ. Từ một hộ khó khăn, được cán bộ, hội viên làm kinh tế giỏi của xã hỗ trợ giống và cho vay vốn không lấy lãi, gia đình ông Hưng đã vươn lên trở thành hộ CCB khá trong xã và là một trong những hội viên CCB làm kinh tế giỏi, cho thu nhập bình quân từ 300-400 triệu đồng/năm.
Đó còn là tấm gương CCB Nguyễn Văn Diệp (ngụ xã Phú Túc), một điển hình trong làm kinh tế giỏi đồng thời còn là “điểm tựa” cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và CCB khi cần học hỏi kinh nghiệm làm ăn, làm giàu. Những đóng góp của ông Diệp và cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh đang góp sức tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh.
Nguyệt Hà
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin